Freitag, 5. Juli 2024

Sáu Mươi Năm

 Dạo:

     Rời trường đã sáu mươi năm,

Dù xa cách vẫn âm thầm tìm nhau.

  

Cóc cuối tuần:

 

          Sáu Mươi Năm

 

   (Ghi dấu ngày Hội Ngộ 60 năm của một số

   cựu học sinh Đệ IB Võ-Tánh NT, NK 63-64)

 

Ngồi nhớ lại hai mươi năm về trước,

Lớp Nhất B may mắn được thỏa lòng,

Gặp lại nhau sau bốn chục năm ròng,

Để đánh dấu ngày học xong Trung học.

 

Nhưng hạnh phúc vèo qua trong thoáng chốc,

Bạn bè đành phải khó nhọc chia tay,

Lòng thầm mong gặp lại sẽ có ngày,

Nhưng thời hạn, rủi thay, chưa được chọn.

 

Rồi từ đó mỗi người về mỗi chốn,

Ai nấy đều bận rộn chuyện làm ăn,

Theo dòng đời mãi ngụp lặn trôi lăn,

Chẳng để ý thời gian qua quá vội.

                        x

                  x          x

Năm nay bỗng vang vang lời kêu gọi,

Bạn bè nghe lại khăn gói lên đường,

Mặc xa gần hay cách trở đại dương,

Miễn được thỏa ước mơ từng ấp ủ.

 

Kể từ lúc rời xa ngôi trường cũ.

Đến bây giờ vừa đủ sáu mươi năm.

Tuổi học trò dù đã quá xa xăm,

Kỷ niệm cũ luôn hằn trong tâm khảm.

 

Phút vui vẫn vướng ít nhiều thương cảm,

Khi nhắc tên những người bạn thiếu thời,

Kỳ họp rồi có lặn lội về chơi,

Nay đã sớm hóa ra người thiên cổ.

 

Dẫu biết trước người chẳng còn đủ số,

Nhưng vẫn nghe thoáng buồn khổ trong lòng.

Thầy mới vừa nợ trần thế giũ xong,

Trò về họp cũng không đầy một nửa.

 

Đành gắng gượng cùng nhau vui một bữa,

Biết mai này còn gặp nữa hay không,

Bóng hình nhau cố khắc kỹ trong lòng,

Để tình bạn cuối đời không tàn lụi.  

 

Tíu tít, lăng xăng, mừng mừng, tủi tủi,

Thầm biết rằng với số tuổi này đây,

Chắc sẽ chẳng có ngày

Được vui vẻ sum vầy như hiện tại.

 

Người người thi nhau nhắc lại

Thuở học trò, thời thoải mái vui chơi,

Chỉ bận lòng chút sách vở mà thôi,

Chẳng thắc mắc chuyện dòng đời sóng gió.

 

Xong thi cử, ngay mùa hè năm đó,

Đàn chim non theo số phận ngược xuôi.

Rồi chẳng may gặp đại nạn đổi đời,

Mỗi đứa lại mỗi phương trời trôi giạt.

 

Nhưng may mắn nhờ cao xanh ghé mắt

Cho đất người được họp mặt cùng nhau,

Qua hai lần hội ngộ trước sau,          

Tạm chốc lát quên nỗi sầu ly biệt.

                        x

                  x          x

Vui chửa trọn, đã đến giờ tan tiệc,

Lần hẹn sau, nếu có, biết bao giờ!

Ai nấy đều đầu tóc đã bạc phơ,

E rằng sẽ ít còn cơ hội nữa.

 

Phút từ giã, người loay hoay lần lữa,

Chân ngoài sân, chân trong cửa dùng dằng,

Lòng bùi ngùi, cố gượng gạo nói năng,

Thầm tự hỏi phải chăng đây lần cuối.

 

Ai cũng biết sức mình giờ đã đuối,

Nên mong mau có hội ngộ kỳ ba,

Sợ chần chờ, ngày tháng chóng vụt qua,

Sẽ chẳng có còn ai mà "hội ngộ"!

               Trần Văn Lương

                  Cali, 7/2024

Dienstag, 25. Juni 2024

Phiếm về PHẬT, PHÁP, TĂNG.

 Phiếm về PHẬT, PHÁP, TĂNG.


Ta thường nghe câu QUY Y TAM BẢO 皈依三寶. Vậy TAM BẢO là gì ? Thưa, TAM BẢO là : PHẬT BẢO 佛寶, PHÁP BẢO 法寶 và TĂNG BẢO 僧寶. Nên QUY Y TAM BẢO còn được nói thành : QUY Y PHẬT, QUY Y PHÁP và QUY Y TĂNG. Nói cho gọn lại là TAM QUY Y 三皈依. Vậy thì QUY Y 皈依 là gì ? Ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây.

       Theo "Chữ Nho... Dễ Học" thì QUY 歸 có nghĩa là VỀ, là THEO VỀ. Theo qúa trình diễn tiến hình thành của chữ viết như sau :
Ta thấy :
        Từ Giáp Cốt Văn, Tiểu Triện cho đến Lệ Thư, chữ QUY 歸 gồm : Bên trái phía trên là bộ Phụ 阜 : là làng xóm chợ búa dựa theo ven sông. Phía dưới là chữ Chỉ 止 : là dừng lại. Bên phải là chữ Trửu 帚 : là cây chổi. Hàm ý là... Người du tử ngày xưa khi dừng chân trên một làng mạc ven sông nào đó, chợt thấy người đàn bà cầm cây chổi quét nhà, mà chạnh lòng muốn quay trở lại quê nhà, như nhà thơ Thế Lữ đã viết trong bài thơ "Giây Phút Chạnh Lòng"...

                     Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
                     Chiều thu se lạnh gió heo may.
                     Dừng chân trên bến sông xa vắng,
                     Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây !
    nên...
          QUY có nghĩa VỀ là vậy. Ta có những từ thường gặp như :
      - VU QUY 于歸 : là về nhà chồng. Có nghĩa là Lấy chồng.
      - QUY NINH 歸寧 : là Gái có chồng về nhà thăm cha mẹ ruột gọi là Quy Ninh. Khi Thúc Sinh vừa lên đường về Lâm Truy với Thúy Kiều thì Hoạn Thư cũng đi về nhà "mét má" ngay :

                       Gió câu vừa gióng dặm trường,
                Xe hương nàng cũng thuận đường QUY NINH.
Còn...
      QUY PHỤC 歸服, QUY THUẬN 歸順 : đều có nghĩa là Ngoan ngoãn mà về theo ai đó.... Còn....
      Chữ QUY 皈 trong Kinh Phật thì có Bộ Bạch 白 là Trắng, sáng ở bên trái, còn bên phải là Chữ Phản 反: là Ngược lại, QUY 皈 nầy là một dị bản, một cách viết khác của chữ QUY 歸 nêu trên. Nếu chiết tự thì có nghĩa : Đang trong chỗ tối, đi ngược lại để trở về với chỗ sáng. Đặc biệt là chữ QUY 皈 nầy CHỈ DÙNG TRONG KINH PHẬT chứ không được dùng rộng rãi như chữ QUY 歸 trên.

     Chữ Y 依 là chữ Hình Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :

Ta thấy :
        Chữ Y 依 bên trái có bộ NHÂN 亻là Người chỉ Ý; bên phải là bộ Y 衣 là Áo chỉ ÂM. Nên Y 依 có nghĩa là Dựa, là Tựa vào ai đó; Nghĩa rộng là Nương Theo, là Nhờ vào, là theo về. Nên...

       QUY Y 皈依 : là Về để nương tựa theo, là Dốc lòng về với ... Hiểu rộng ra là Bỏ chỗ tối về với chỗ sáng; Bỏ nơi mê muội mà về nơi bến giác; Vượt qua bể khổ để đến với niết bàn... Nhưng,...

       Trên đây chỉ là chiết tự theo chữ Nho để phiếm cho vui và để dễ nhớ mà thôi, chứ nếu muốn tìm hiểu ý nghĩa của của nhóm từ QUY Y TAM BẢO hay TAM QUY Y 三皈依 thì phải theo nghĩa của các chữ Phạn trong kinh Phật thì mới thấu đáo rõ ràng được. 
       Theo Phạn ngữ thì TAM QUY Y là "Tisarana", "Ti" là Tam, và "sarana" là Nơi Phù hộ che chở, ý muốn nói là do Phật Pháp Tăng ba ngôi hình thành nơi che chở phù hộ cho những ai theo về. Trong chương thứ 14 của kinh "A tỳ Đạt ma câu xá luận 阿毘達磨俱舍論" (Phạn ngữ là Abhidharmakośabhāṣya) thì giải thích...      
                                     

      QUY Y là "Saranam gacchami". Gacchami là Động từ chỉ sự thẳng tiến, đến nơi, và Saranam là Danh từ chỉ sự che chở phù hộ. Như vậy, thì QUY Y là "Thẳng tiến đến nơi mà ta sẽ được sự che chở phù hộ", nói cách khác là "Về với Phật Pháp Tăng để hưởng được sự phù hộ và che chở". Cũng theo Kinh trên, Saranam gacchami còn có nghĩa là Cứu tế và Nương tựa, nên mới được các nhà dịch thuât Trung Hoa dịch là QUY Y : là  Về để nương tựa vào Tam Bảo là PHẬT PHÁP TĂNG.

      Chữ PHẬT 佛 gồm có chữ NHÂN 亻là Người ở bên trái và chữ PHẤT 弗 là Không, là Chẳng ở bên phải. Đây là chữ vừa được ghép theo Hài Thanh, lấy âm PHẤT để đọc là PHẬT; vừa ghép chữ theo Hội Ý là gom nghĩa của 2 phần phải trái lại là PHẤT NHÂN 弗人, có nghĩa là : Chẳng phải người tầm thường. Vâng PHẬT 佛 là người chẳng tầm thường chút nào cả !

       Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, một trọng thần và là một võ tướng giỏi Nho học trấn giữ biên cương mở mang bờ cõi về phía Nam cho Chúa Nguyễn, có một câu như sau :

              Nghiệm chữ kia cho xác, chữ TIÊN 仙 là Nhất Cá Sơn Nhân 一個山人, 
              Suy chữ nọ cho chơn, chữ PHẬT   là Phất Tri Nhân Sự 弗知人事.
Có nghĩa :
      - Chữ TIÊN 仙 được ghép bởi bộ NHÂN 亻 là Người và bộ SƠN 山 là Núi."Nhất Cá Sơn Nhân 一個山人" là một con người ở trên núi. Có ý mĩa mai là Tiên ở trên núi thì cũng chỉ lo sung sướng cho bản thân mình thôi chứ không có ích gì cho đời cả.
      - Chữ PHẬT cũng được ghép bởi bộ NHÂN 亻 và chữ PHẤT 弗. Nên Nguyễn Cư Trinh lại mĩa là "Phất Tri Nhân Sự 弗知人事" là "Chẳng cần biết đến chuyện của người đời", chỉ cần mình giác ngộ siêu thoát thành Phật là được rồi.

      Vì cụ Nguyễn Cư Trinh là một nhà Nho nhập thế, nên tích cực trong việc giúp Chúa giúp đời, an bang tế thế, nên ông có ý mĩa mai những người theo Đạo Lão, Đạo Phật, tu thành Tiên thành Phật để giải thoát cho bản thân mình mà thôi chứ không có ích gì cho xã hội người đời cả.


      Thực ra từ PHẬT đầu tiên là từ dùng để chỉ những bậc chính giác, tu hành đắc đạo như là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vậy. Phật cũng chỉ chung cho nhất thiết chư Phật của mười phương tam thế và tất cả chúng sinh giác ngộ trong tu tập đều có thể thành Phật cả. Thập Bát La Hán ngày xưa chẳng phải là mười tám tên cường đạo đó sao ?! Nên ta lại có thành ngữ :
                    Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật.
                    放   下  屠  刀, 立  地   成   佛。          
Có nghĩa :
              Vừa bỏ con dao đồ tể giết người xuống thì sẽ thành Phật ngay tức thì !
              Đây cũng là phép Đốn Ngộ 頓悟 cuả Lục Tổ Huệ Năng đó.

     Nói chung, PHẬT là những bậc đại giác ngộ, tu hành đắc đạo, đạt thành chánh qủa trong đạo Phật.
     Còn PHÁP là Giáo Pháp của nhà Phật, bao gồm Tam quy Ngũ giới, mười hai bộ kinh Tam Tạng và Tám vạn bốn ngàn Pháp môn của nhà Phật. Tóm lại, PHÁP là cái phương pháp, cái phép tu tập để giúp cho con người được giác ngộ sớm thành chánh qủa.
     Còn TĂNG là những Sa Môn (Thầy Chùa), người chấp hành đạo pháp, tu tập theo các pháp nôn của nhà Phật, vừa tu tập để chuyển hóa cho mình, lại vừa phải hoằng dương Phật pháp, tức là phổ biến Phật pháp đến với mọi nhà, mọi người và độ hóa tất cả chúng sinh được thoát nơi bể khổ để về với niết bàn.
Trong qúa trình tu tập để hoằng dương Phật Pháp và để Phổ độ Chúng sinh cũng cần phải có những phương tiện hỗ trợ cho các Sa môn, các Tăng nhân hành đạo như : Phải có chùa chiềng miếu mạo, hương hoa trà qủa... Ta hãy nghe ông SÃI của Nguyễn Cư Trinh kể lể :

           ... Sãi cũng muốn tu trì, ngặt thiếu đồ khí dụng.
               Thiếu chuông thiếu trống; thiếu kệ thiếu kinh.
               Thiếu sứa thiếu sinh; thiếu tiêu thiếu bạt;
               Thiếu bình thiếu bát; thiếu đậu thiếu tương;
               Thiếu bình bông lư hương; thiếu tiền bàn lá phủ;
               Thiếu hài thiếu mũ; thiếu hậu thiếu y;
               Thiếu tiền đường sơ ly; thiếu thượng phương liễn đối;
               Thiếu bê son bình sái; thiếu tích trượng ca sa;
               Thiếu hương thiếu hoa; thiếu xôi thiếu Phật...

Chính vì tu hành để hoằng dương Phật Pháp mà đòi hỏi đủ thứ đủ điều như ông SÃI của Nguyễn Cư Trinh, nên mới có những SÀM TĂNG 讒僧 như ngày hôm nay mà ta đã biết... 
     * SÀM 讒 : là nói xấu, gièm pha, là thêu dệt những điều không có thật; Nên... 
     * SÀM NGÔN 讒言: là Những lời nói bá láp bá sàm những điều không thực tế. Và...
     * SÀM TĂNG 讒僧 : là những ông thầy chùa xưng là Đại Đức Thượng Tọa mà không biết thuyết pháp chỉ biết kêu gọi Phật tử cúng dường và phải cúng dường bằng những giấy bạc có mệnh giá lớn, nếu cúng bằng tiền mệnh giá nhỏ thì sẽ bị "xúi quẩy" quanh năm. Nằm võng sẽ bị mất phúc, hát Kara-OK sẽ bị câm... như là Sàm Tăng Thích Chân Quang vậy.

     MA TĂNG 魔僧 : là những ông thầy chùa "Ma giáo". Đúc tượng phật giống như là hình tượng của mình để cho Phật Tử chiêm bái. Lợi dụng nhà chùa để bán thuốc dược thảo, mở quán kinh doanh bán đồ chay để moi tiền của Phật tử. Một số lại hút thuốc uống rượu và ăn cả thịt chó... vi phạm ngũ giới cấm một cách trắng trơn thô bạo, như Trụ trì Thích Tuệ Hải của chùa Long Hương, Thích Tâm Phúc, Thích Minh Phượng...
 DÂM TĂNG 淫僧 : Tu hành mà còn thuyết giảng về những điều dâm dục và hay lân lê la cà gạ tình với các giới nữ, và rất nhiều Đại Đức, Thượng Tọa... và còn phạm cả cái sắc giới nầy nữa, như Thích Nhuận Đức, Thích Chân Quang, Thích Thanh Toàn, Thích Nguyện Đạo, Thích Đạo Huấn... và như ông Sãi của Nguyễn Cư Trinh đã nói :

                Chợ nào nhiều bạn hàng các ả, 
                Xóm nào đông bổn đạo các dì,
                Sãi một tu lại tu đi, 
                Sãi một tu lên tu xuống...
        Và...
            ... Sãi lại sắm một cái vườn nho nhỏ, 
                Ở cho cách xóm xa xa.
                Đề phòng khi bổn đạo chửa nghén ra, 
                Dễ khiến Sãi khoanh tay mà ngồi vậy...

      Không ngờ những cái xấu xa của cái ông Tống Nho Nguyễn Cư Trinh viết để mỉa mai Đạo Phật đều đã được các Đại Đức, Thượng Tọa... thể hiện hết một cách thật trắng trợn và xấu xa trong thời buổi MẠT PHÁP nầy !
Cũng may là Việt Nam ta cũng đã từng có những Cao Tăng, Thần Tăng, Thiền Tăng... nổi tiếng trong lịch sử, như Thiền sư Vạn Hạnh 萬行禪師 (?-1018), Mãn Giác Thiền Sư 滿覺禪師 (1052-1096), Huyền Quang thiền sư 玄光禪師 (Huyền Quang tôn giả 1254-1334), Hương Hải Thiền Sư 香海禪師 (1628 - 1715)... Nhất là ta lại có cả một Phật Hoàng là ông Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) để thấy rằng Thiền hay không thiền, tu hay không tu gì... cũng không thể không nhận chân cuộc sống thực tế trước mắt : Cha Mẹ, Anh em, Bè bạn... Nhất là đối với Cha Mẹ, phải sống sao cho tròn ĐẠO CON rồi mới nói đến những tu tập khác được! Nào, ta hãy cùng đọc bài "Cư Trần Lạc Đạo 居塵樂道" của nhà vua sau đây sẽ rõ : 
        
               居塵樂道且隨緣,    Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
               饑則餐兮困則眠.    Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
               家中有寶休尋覓,    Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
               對景無心莫問禪!    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền !
* Chú Thích :
    - CƯ TRẦN 居塵 : là Sống ở trên cõi trần nầy, trên đời nầy.
    - LẠC ĐẠO 樂道 : là Vui với Đạo. Đạo gì cũng được. Đạo làm người, đạo Phật, đạo Khổng, đạo Thiên Chúa... cũng được !
    - THẢ TÙY DUYÊN 且隨緣 : Nên tùy theo duyên phận. Tức là phải biết sống theo hoàn cảnh của mình, không cầu kỳ đòi hỏi quá đáng.
    - CƠ 饑 là Đói, SAN 餐 là bữa Ăn, KHỖN 困 là Mệt mỏi, buồn ngủ. MIÊN 眠 là ngủ.
    - GIA TRUNG HỮU BẢO 家中有寶 : là Trong nhà đã có sẵn bảo vật rồi. Ý nói : Khỏi phải Quy Y Tam Bảo, vì trong nhà đã có sẵn Nhị Bảo là Cha và Mẹ đó.
    - HƯU TẦM MỊCH 休尋覓 : TẦM MỊCH là Tìm Kiếm. HƯU là Đừng, nên "Hưu Tầm Mịch" là Khỏi phải tìm kiếm. 
    - ĐỐI CẢNH VÔ TÂM  對景無心 : Đối diện với cảnh trí, hoặc Hoàn cảnh mà lòng không bị lay động ảnh hưởng.
    - MẠC VẤN THIỀN 莫問禪: Đừng hỏi tới thiền nữa, Khỏi phải hỏi tới thiền nữa.

* Dịch nghĩa : 
                    Sống Đời Vui Đạo
     - Sống trong cõi trần thế này, hãy tùy duyên mà vui với đạo đời với đạo,
     - Đói thì hãy ăn cơm, còn mệt, buồn ngủ thì hãy đi ngủ.
     - Bảo vật đã có ở trong nhà rồi, đừng tìm ở đâu khác nữa, 
     - Đối diện với ngoại cảnh đổi thay mà vẫn giữ được cái tâm không động thì còn cần chi hỏi đến thiền nữa !

* Diễn Nôm :
                 Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên,
                 Buồn ngủ, đói ăn, cứ thế liền.
                 Bảo vật trong nhà, tìm đâu nữa?!
                 An nhiên tự tại, hỏi chi thiền!?
   
   Hai câu thơ cuối trong bài "Cư Trần Lạc Đạo" là :
 
                 Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
                 Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền !
 
     ...làm cho ta nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ "Khuyến hiếu ca 勸孝歌" của dân gian là :
                       
                家中自有堂前佛,      Gia trung tự hữu đường tiền Phật
                何必靈山見世尊?      Hà tất Linh sơn kiến Thế Tôn ?
* Có nghĩa :
      - Trong phòng khách trong nhà, đã có sẵn Phật ở đó rồi !(chỉ Cha Mẹ hằng ngày ngồi ở đó!).
      - Sao lại còn phải đến Linh sơn để gặp đức Thế Tôn mà chi ? (Đức Thế Tôn : Chỉ Phật Thích Ca.).
        Nếu ở nhà không có hiếu với Cha Mẹ, không chăm sóc phụng dưỡng Cha Mẹ cho đàng hoàng, thì dù cho có vượt đường xa muôn dặm đến tận Linh Sơn để cầu lạy đức Thế Tôn, thì chắc Ngài cũng không chứng cho đâu !
 
* Diễn nôm :
                 Trên kham có sẵn Phật nhà ,
              Sao còn diệu vợi đường xa đi tìm ?
   
   ...và hai câu thơ trên lại nhắc ta nhớ đến bài kệ, là một bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt sau đây :
 
             佛在靈山莫遠求,   Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
             靈山只在汝心頭。   Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
             人人有個靈山塔,   Nhơn nhơn hữu cá Linh sơn tháp,
             好向靈山塔下修。   Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.



* Dịch nghĩa :
     - Phật ở tại Linh Sơn, khỏi phải cầu cạnh đâu cho xa xôi. Nhưng Linh Sơn ở đâu ?
     - Linh Sơn ở ngay trong trái tim của ta đây. Tâm tức Phật, Phật tức tâm mà. Nên...
     - Mỗi người đều có một cái Tháp Linh Sơn ở trong tim cả !
     - Hãy cố gắng mà tu dưới cái tháp Linh Sơn của chính mình (là đủ rồi!).

* Diễn nôm :
                Phật ở Linh Sơn chẳng đâu xa,
                Linh Sơn ở tại trái tim ta !
                Mỗi người đều có Linh Sơn Tháp,
                Cứ gắng mà tu dưới tháp nhà !
             
      Cũng như nhà sư Thích Minh Tuệ trước khi đi tu đã xin phép và đã được cha mẹ cho phép đi tu hẵn hoi. Ông cũng đã từ chối thừa kế và biết là mình còn anh em để chăm sóc cho cha mẹ lúc tuổi già, nên mới yên tâm xuất gia mà tu hành theo con đường mà mình đã chọn. Nếu như ai đó còn có Cha Mẹ cần phải phụng dưỡng thì không nên bỏ nhà để đi tu như là nhà sư Thích Minh Tuệ vậy.                                                                                                                                         
      Trong bài ca 6 câu vọng cổ "Tu là cỗi phúc" của soạn giả Viễn Châu, mà nghệ sĩ Minh Cảnh hát sau khi đã xuống Xề là :
 
    ... "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ Cha kính Mẹ... còn hơn là... đi tu !". 

                                                                        Đỗ Chiêu Đức 杜紹德 

Sonntag, 23. Juni 2024

TỰ MỪNG SINH NHẬT

 TỰ MỪNG SINH NHẬT


 

Đứ đừ đếm bậc bảy mươi 

Leo được đến đây kể cũng cừ

Khi mắt tịt mờ, tai nghễnh ngãng

Thêm xương xốp loãng, phổi hao .

Ngất ngư tra nghĩa từng Câu Đố *

Ngưỡng mộ họa vần những Áng Thơ**

Dù trí lơ ngơ, tay lóng ngóng

Tình thâm nghĩa trọng giữ khư khư.

 

– AiCơ –

22/6/2024 Melbourne


Chúc mừng sinh nhật chị Ai-Cơ .
L


Thấm thoát nay đà đến bảy tư,
Vượt qua thất thập quả tay cừ.
Hững hờ chẳng ngại trò dâu bể,
Lặng lẽ không màng chuyện thực hư.
Ngọn bút vung sơ, ngàn nét chữ,
Bàn tay nhấc thử, chục vần thơ.
Giấc mơ giáo dục dù luôn bận,
Hạnh phúc gia đình vẫn chắc khư. (*)
         Trần Văn Lương kính họa

(*)Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, trang 749

Xin nối điêu anh Lương, thân mến chúc mừng sinh nhật chị Ai Cơ:

Gìn vàng giữ ngọc

Bảy mươi năm trước mới lên tư
Câu cú văn chương quyết luyện cừ 
Sách vở bút nghiên gìn cẩn thận
Mành mành che nắng để không hư
An nhiên tuổi hạc đồng môn vẫn
Trò chuyện rì rầm bên án thư 
Giây phút tương phùng sao thấm thoắt 
Nhớ thương kỷ niệm lại ngồi thừ

Yên Nhiên
21/06/2024

Samstag, 8. Juni 2024

Mừng Sinh Nhật Thầy Trần Long

 Mừng Sinh Nhật Thầy Trần Long


Thầy là nguồn cội Thụ Nhân
Mong Thầy khỏe mạnh, tinh thần vạn an
Thi đua cùng với thời gian
Trăm năm thẳng tiến, thư nhàn thảnh thơi!

Nhan Ánh-Xuân, CTKD2
8/6/2024

夜 遊 - Đi Chơi Đêm

 Dạo:

       Người trần thế, kẻ u minh,

Mấy ai biết được chính mình là ai?

 

Cóc cuối tuần:

 

      

    ,
    ,
    ,
    ?

          

 

Âm Hán Việt:

 

        Dạ Du

Nguyệt ẩn, vũ phân phân,

Lộ biên, nhất cổ phần,

Cô thân vô mộ chí,

Phần lý thị hà nhân?

   Trần Văn Lương

 

Dịch nghĩa:

 

     Đi Chơi Đêm

Trăng trốn, mưa lả tả,

Bên đường, một nấm mồ xưa, 

Trơ trọi một mình không có mộ bia,

Trong mộ là người nào?

 

Phỏng dịch thơ:

 

     Đi Chơi Đêm

Trăng khuất, gió mưa bay,

Nấm mồ cũ lất lây,

Mộ bia rày chẳng có,

Nằm đó chính ai đây?

    Trần Văn Lương

      Cali, 6/2024

 

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:   

Thực ra, ai là người cần đến câu trả lời:

    - Người đi chơi đêm ư?

    - Người dưới mộ ư?

    - Cả hai ư?

    - Không ai cả ư?

Hỏi người là ai, sao bằng hỏi chính mình là ai!

Than ôi, ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng,

thọ giả tướng... làm sao bỏ được đây!

Hỡi ơi!


Đêm mưa

Chơ vơ nấm mộ bên đường
Mưa khuya hiu hắt, trăng nương náu mình
Tư bề quạnh quẽ lặng thinh
Mồ hoang ai đó? Bóng hình lướt qua...

*

Rainy night

Rain is falling and the moon is hiding 
A forlorn figure passing through the night
Without a tombstone, by the roadside,
Whose lonely grave is this?

Yên Nhiên