Sonntag, 2. Januar 2000

HÒA ĐỒNG VÀ ĐỒNG HÓA TRÊN ĐẤT MỸ

HÒA ĐỒNG VÀ ĐỒNG HÓA TRÊN ĐẤT MỸ
Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune

Nước Mỹ là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, là nước của người di dân. Là một vùng đất mới, mênh mông, bao la, cơ hội mở ra tưởng như vô tận đối với người di dân, kể cả cơ hội được làm tổng thống, cho nên nguời ta cũng gọi nó là vùng đất của những hứa hẹn, của những cơ hội. Tiếng lành đồn xa, trên địa cầu không có lúc nào ở nơi này hay nơi khác là không có chiến tranh, loạn lạc, kinh tế khủng hoảng, nghèo đói, áp bức bóc lột…
cho nên ngay từ thời đi lại khó khăn người ta từ khắp chân trời góc bể đã tìm đến nước Mỹ - cho dù từ năm 1917 đã có ngọn cờ hồng “Cách mạng tháng 10” của Lenin. Ngày nay việc đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều, thế giới lại ngày càng khó khăn, phức tạp, cho nên nước Mỹ vẫn là một biểu trưng của một đất nước của người di dân đi tìm những cơ hội kinh tế và một xã hội tự do dân chủ không phải dễ có trên thế giới này. Là một nước của người di dân, một trong những vấn đề lớn nhất của nước Mỹ luôn luôn là vấn đề di dân. Và vấn đề di dân chủ yếu vẫn là vấn đề hòa đồng, hội nhập của người di dân vào đất nước mới, xã hội mới, để cho sự tiếp nhận di dân là một yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển.

Hội nhập thêm khó khăn
Một công trình thăm dò, nghiên cứu mới được công bố của một viện nghiên cứu đã kết luận rằng so với 100 năm trước đây, tỷ lệ số người di dân đã “đồng hoá” được vào xã hội Mỹ giảm đi một nửa. Viện Nghiên cứu Chính sách Manhattan (Manhattan Institute for Policy Research) tính ra rằng vào năm 1900, số di dân được xem là hội nhập được với lối sống Mỹ là hơn 50%, nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 28%. Và cái kết quả “suy thoái” này thể hiện rõ nhất ở số người di dân đông đảo nhất ở nước Mỹ: người Mễ Tây Cơ nói riêng và người Mỹ La-tinh nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanic) nói chung.
Cuộc nghiên cứu này đã sử dụng kết quả của những cuộc điều tra dân số cách đây hơn một thế kỷ để đo lường mức độ hội nhập hay đồng hóa của di dân. Những nguời nghiên cứu xét người di dân trên ba mặt chính là kinh tế, văn hóa và đời sống công dân. Kinh tế là việc kiếm ra công ăn việc làm (đo lường việc “thành đạt mục tiêu” di dân), nạn thất nghiệp (mối lo của xã hội), mức độ thu nhập của người di dân (thước đo sự thành công) – so với “người Mỹ chính cống”. Văn hóa là cách sống, cách suy nghĩ, cách làm việc, là giáo dục, là tín ngưỡng, là sự quan hệ giữa truyền thống và lối sống trong xã hội mới. Đời sống công dân là sự tham dự vào chính trị, bầu cử, đi biểu tình, tuân thủ pháp luật, đóng thuế.. Từ ba mục chính đó người ta nêu ra những câu hỏi đi vào chi tiết trên những điểm như học tiếng Anh, công ăn việc làm, sở hữu nhà cửa, tỷ lệ hôn nhân với người “bản xứ”, sinh sản, nhập tịch, giáo dục, quân dịch… Dựa trên những yếu tố này, Viện Manhattan, có trụ sở chính đặt tại New York, lập nên một chỉ số “đồng hóa” tính từ 1 đến 100, cao nhất 100 điểm chỉ ra sự “đồng hoá hoàn toàn” - giống hệt người Mỹ.
Tính ra thì trong “cộng đống di dân” hỗn tạp ở Mỹ ngày nay, số người được đồng hóa thấp hơn trước đây nhiều nếu tính theo tỷ lệ bách phân. Trong tổng số khoảng 35 triệu người người di dân, được định nghĩa là những người sinh ở nước ngoài, có chưa đến 12 triệu người được xem là đã tiếp thu đầy đủ lối sống Mỹ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy thế, những người nghiên cứu cũng nói rằng nhịp độ đồng hoá ngày nay (khoảng 25 năm qua) đã nhanh hơn trước khá rõ. Có nghĩa là nguời di dân đang bắt kịp với những mức tiến triển hội nhập trước đây. Theo lời của một giáo sư ở Duke University chuyên về nghiên cứu chính sách công và kinh tế học, ông Jacob Vigdor, “năng lực của đất nước hội nhập những di dân mới là khá mạnh”. Có nghĩa là nước Mỹ có những điều kiện giúp người ta tiếp nhận lối sống mới dễ dàng. Điều này dẫn đến một hệ luận: những người di dân thích ứng với văn hóa, kinh tế và đời sống công dân Mỹ ở những mức độ khác nhau. Có nhóm nhanh, có nhóm chậm. Cũng giáo sư này nói: “những tiến triển không phải có đồng đều trên những nhóm khác nhau, và đặc biệt, sự tiên bộ không có trong số những nhóm người di dân Mỹ La-tinh”. Đó chính là vấn đề bàn cãi lớn nhất hiện nay của những người lập chính sách ở Washington, vì người Mễ nói riêng, và nói chung là Mỹ-La-tinh chiếm đến 2/3 của tổng số 100 triệu người “thiểu số” ở nước Mỹ, và gần 60% tổng số di dân (10 triệu người Mễ, 10 triệu những người Trung Mỹ, Nam Mỹ).
Thông thường di dân những nước phương tây có tỷ lệ đồng hóa rất cao (Đức: 87, Áo: 74, Ý: 67, Anh: 63, Bỉ: 65, Phàp: 53, Hungari: 63, Hà Lan: 58, Hy Lạp: 60, Scotland: 67, Thụy Điển 48, Thụy Sĩ: 51). Lý do xem ra giản dị: khởi điểm kinh tế của những di dân này tương đối khá (ít người băt đầu bằng số 0), nói tiếng Anh không là vấn đề lớn với họ, và họ bắt qua lối sống Mỹ cũng tương đới dễ dàng vì sẵn có “văn hóa cao”. Cuộc nghiên cứu này cho thấy yếu tố quan trọng nhất đối với vấn đề hội nhập thường là văn hóa, và trong văn hóa, thì ngôn ngữ và cách sống là quan trọng nhất. Những người sống xa với quê hương chính và đã quen văn hóa phương tây, gia đình nhỏ, gọn, thì dễ hội nhập hơn.
Chật vật là những người di dân Mễ và các nước châu Mỹ khác, ngay cả với Canada (chỉ số đồng hoá là 53). Phía bắc nước Mỹ là Canada, phía nam là Mễ. Người Canada khó hội nhập là vì họ cảm thấy cô đơn, nhớ nhà, lấn cấn với tiếng Anh, tiếng Pháp. Người Mễ khó hội nhập vì họ cảm thấy quá đông vui trong cộng đồng của họ. Chỉ số đồng hóa của họ chỉ có 13; đi vào từng thành phần về kinh tế là 66, về văn hóa là 51 và về đời sống công dân là 22. Trong cái khó của người Mễ ở đây, có vấn đề di dân lậu. Là những người không có giấy tờ, họ khó kiếm việc làm, không có bằng lái xe, không đóng thuế, không bỏ phiếu, không dám đi biều tình, ngay cả biểu tình chống cái chế độ “bất lực” đã làm họ phải bỏ xứ ra đi tha phương cấu thực… Những người này, có đến cả 5 triệu người ở Mỹ, làm sao có thể có “đời sống công dân”; trong đời sống văn hóa thì họ làm sao tiếp thu được lối sống Mỹ… Ngoài ra có những vấn đề tự nhiên: quê hương thật của họ ở ngay sát nách, làm sao họ bỏ được mà thật sự quay qua quê hưong mới. Họ sống theo kiểu đoàn tụ gia đình, một nhà có đến bốn năm chiếc xe, nhân khẩu trung bình cũng đến 8-10 người, trong nhà nói tiếng Mễ/Tây Ban Nha, ăn thức ăn mua ở Taco Bell, xem đài Univision. Người ta đến đây để từ bỏ cuộc sống cơ cực ở nông thôn hay đen tối ở thành thị, mục tiêu kiếm việc làm để có đời sống thoải mái và không xem trọng lắm mục tiêu giáo dục cho những thế hệ sau là khá phổ biến ở người Mễ. Cái hay của người Mễ là giữ được truyền thống, và cái khó chính là ở chỗ không xem trọng việc hội nhập lối sống Mỹ. Người Mễ qua đây đỡ nghèo, nhưng chưa hết nghèo. Và bần cùng đưa dến nhiều thảm cảnh gia đình và xã hội, như tình trạng mang thai ở căc cô gái trẻ và số người bị giam tù vì tội ác…
Cộng đống người Việt
Ở trường đại học Lubbock, Texas, có một Vietnam Center, tồn tại được 13 năm, một trong những người khởi xướng chủ yếu chính là cố giáo sư Douglas Pike, một nhân vật nổi tiếng của tòa đại sứ Mỹ tại Saigon trong những năm 60 và vốn chủ trương một trung tâm Đông Dương tại Đại học Berkeley cho đến năm 1995. Trung tâm này chỉ tập trung việc nghiên cứu vào chiến tranh Việt Nam, mặc dù nó chẳng đưa ra được kết luận gì mới thay thế hay điều chỉnh cách diễn giải, giảng dạy lịch sử chiến tranh Việt Nam. Với khả năng của nó, trung tâm này lẽ ra có thể tiến hành những cuộc thăm dò, khảo sát có ích cho công đồng người Việt tại nước Mỹ.
Công đồng người Việt này chỉ hình thành sau năm 1975 với biến cố miến nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975. Ngày nay dân số cộng đống này đã có thể lên đến 2 triệu người, sống rãi rác trên nước Mỹ, nhưng đông nhất vẫn là ở California và Texas. Theo sự đánh giá của công trình nghiên cứu vế chỉ số đồng hóa, người Việt di cư đến Mỹ phần lớn và lúc ban đầu là vì lý do chính trị, “bởi thế họ sẵn sàng tiếp nhận nước Mỹ như là một quê hương mới”. Về sau này, với sự “sẵn sàng một cách hợp lý” của chính phủ Mỹ triếop nhận người Việt, con số người đến Mỹ vì lý do kinh tế (ước mong đổi đời) không phải là nhỏ. Về sau này, với sự bình thường hóa quan hệ ngoai giao giũa hai nước Mỹ và Việt Nam, thành phần di dân vĩnh viễn và tạm thời từ Việt Nam đến Mỹ càng phức tạp. Tỷ lệ di dân trong dân số cộng đồng “gốc Việt” có thể lên đến 70-75%. Tuy nhiên, hầu như chưa có một cuộc nghiên cứu công phu, đầy đủ về dân số, lứa tuổi, công ăn việc làm, nghế nghiệp… của người Việt trên đất Mỹ, di dân cũng như các thề hệ sau sinh đẻ tại Mỹ. Cho nên những kết luận “bất chợt” của cuộc nghiên cứu về chỉ số đồng hoá của người di dân Việt cũng có thể khá bất chợt, cần đào sâu thêm.
Trong số những di dân từ châu Á, nay vào khoảng 10 triệu người, chiếm đến gần 30 % dân số di dân ở Mỹ, người Việt có chỉ số đồng hóa khá cao. Tỷ lệ này được tính là 41 ở người Việt (các chỉ số về kinh tế, văn hóa và đời sống công dân là 99-53-72), so với 34 (89-55-61) ở người Campuchia hay 29 (93-48-63) ở Lào. Việt Nam có chỉ số này cao hon cả Trung Quốc (21: 90-40-47), Ấn Độ (16:96-39-40), Nhật Bản (35:100-91-29) hay Malaysia (30:100-71-40). Có “khả năng cạnh tranh” với Việt Nam là Nam Triều Tiên (41:100-64-55), Hong Kong (51: 100-64-76), Singapore (41:100-82-43) Thái Lan (49:100-91-55) hay Phi Luật Tân (49:100-72-65). Mỗi trường hợp đều có cách giải thích riêng của nó, mặc dù chung nhất là kinh tế ai cũng đạt được chỉ số cao, có nghĩa là không được việc làm này thì được việc làm khác, và sự ổn định tương đối là một mục tiêu dạt được với tuyệt đại da số người di dân châu Á. Cộng đồng di dân của nhóm nào không đơng thì sự tham gia đời sống chính trị cung tương đối thấp, người ta sống kheékín, khoyng ra tranh cử, củng chảng đibầu, và cũng chẳng có việc gì phi ảđi biêểu tình… Với những nhóm di dân đến từ những nước kém phát triển, mức độ hội nhập văn hóa cũng rất thấp, trong khi những nước cởi mở hơn với văn hóa, văn minh phương tây thì có chỉ số hội nhập văn hóa cao hơn.
Di dân Việt Nam có những hoàn cảnh hình thành cộng đồng của mình ở Mỹ đặc biệt hơn những cộng đồng khác. Cộng đồng Việt Nam lớn mạnh khá nhanh và nổi bật ở một số nơi như Orange Couynty, San Jose, Houston… Mặc dù trôi giạt đến Mỹ ban đầu không vì lý do kinh tế, người Việt đã hoàn thành mục tiêu công an việc làm, ổn định dời sống kinh tế khá thoải mái, một phần vì mục tiêu của người Việt không cao, hoàn cảnh chiên tranh ròngf rã cà 30 năm, rồi nến kinh tế “quá độ” (cùng cực) của những năm sau 1975 đã đào luyện cho người Việt tính bươn chải, tháo vác, thích nghi (có người gọi là khéo mánh mung), cho nên kiếm kế sinh nhai từ chính thức trả thuế đến không chính thức trốn thuế chẳng mấy khó khăn… Mặt khác, kinh tế Mỹ có lúc nào chẳng cần lao động - có tay nghề cũng như lao động không cần chuyên môn. Mức độ hội nhập về văn hóa của người Việt tuy thề chỉ ở mưc độ trung bình, bởi vì ảnh hưởng ở Việt Nam của văn hóa, văn minh phương tây chỉ mạnh ở những thành thị miền nam, nhưng di dân Việt thì đến đủ cả từ thành thị đến nông thôn và cả những người ở miền bắc. Ngoài khả năng tiếng Anh, còn là trình độ giáo dục và khả năng thích nghi và nâng cao trình độ này trong hoàn cảnh xã hội mới. Cách sống cũ vẫn còn mạnh ở trên một số người tùy theo điều kiện kinh tế. Cứ nhìn xem số người muốn uống cà phê sữa đá theo kiểu Saigon, số người còn hút thuốc, thích bia rượu thì hiều được chỉ số 53 về đồng hóa văn hóa của di dân Việt. Về mặt công dân-chính trị, nhờ sự tập họp của người Việt ở một số ít địa phương, con số người Việt tham gia vào các cơ quan dân cử tương đối cao hơn những nhóm di dân khác. Tuy nhiên, người Việt trong nước và ngoài nước chủ yếu là phi chính trị. Con số người Việt có mặt trong các cơ quan chính quyền còn thấp, nhất là số di dân lại càng ít đến mức không đáng kể. Và mặc dù tỷ lệ đống hoá về nghĩa vụ công dân của Việt Nam cao ở mức 72, cộng đồng người Việt Nam chưa có một cơ cấu xã hội tiến bộ, tham vọng, đáng mơ mộng của riêng nó, có những khoảng trống, có những dư thừa như ung bướu, cho nên con đường phát triển an lạc, hạnh phúc của cộng đồng vẫn còn xa xôi, thăm thẳm…
Xây dựng quốc gia
Một nhà bình luận hàng đầu đã phát biều rằng đã đến lúc, sau khi Tổng thống Bush ra đi, nước Mỹ phải trở lại với chính mình, đặt lên hàng đầu mục tiêu xây dựng quốc gia cho mình thay vì xây dựng quốc gia cho người khác. Trong xây dựng quốc gia, vấn đề hoà đồng hay đồng hóa của người di dân là chủ đề số 1. Dân số di dân ở Mỹ đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1970, và tăng gấp đôi trong 18 năm qua. Sự gia tăng này phần lớn từ các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Á. Đồng thời với sự gia tăng chính thức, sự gia tăng di dân lậu rất đáng kể. Người ta ước tính rằng hiện nay có cả 9 triệu di dân lậu ở Mỹ, trong đó có đến gần 5 triệu từ Mễ, làm ăn, sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ. Khả năng và nhịp độ xây dựng quốc gia nằm ở khả năng giải quyết được vấn đề hòa đống và đống hóa này cho người di dân.
Hòa đồng hay hội nhập là những ý niệm nói lên khả năng của người di dân “đi vào”, tiếp nhận, tham gia lối sống Mỹ, ví dụ như nói tiếng Mỹ, ăn uống theo kiểu Mỹ, chơi như người Mỹ, làm việc như người Mỹ, theo đuổi những mục tiêu trong cuộc sống như người Mỹ… Một ý niệm có liên hệ chặt chẽ với sự hòa đồng này là đồng hóa (assimilation), tức là sự thành công của nỗ lực hội nhập từ hai phía. Với người di dân, không phải ai cũng dễ và sẵn sàng có mới nới cũ. Với những người “di dân cũ” đã bao đời, ở nơi họ vẫn còn ít nhiếu tâm lý ma cũ ăn hiếp ma mới và sự lo ngại đến sự an sinh riêng trước những thách đố cho an sinh chung. Như một nhà bình luận trên CNN viết, cái nghịch lý trong chính sách di dân ở Mỹ thấy rõ ngay nơi biên giới: một mặt, người ta dựng bảng: Keep out! (Tránh đi chỗ khác). Một mặt là bảng Help Wanted (Cần người). Vấn đề của nước Mỹ như thế là gì? Đất nước này không phải của riêng ai, nhưng cũng không phải của tất cả mọi người!
Trở về Trang Chính















Keine Kommentare: