Samstag, 1. Januar 2000

HIỆN TƯỢNG VÀ BẢN CHẤT, CÁCH MẠNG VÀ CƠ CHẾ

Hoàng Ngọc Nguyên

Đọc báo chí trong nước viết về con người và sự nghiệp của ông Võ Văn Kiệt nhân dịp ông mới qua đời ngày 11-6 vừa qua và được dành cho nghi thức quốc tang, nhiều người dễ có cảm tưởng bực bội và mệt mỏi. Stalin chết từ năm 1952, Mao Trạch Đông cũng không còn trên thế gian nữa từ năm 1976, và từ lâu người ta đã cho đi vào lịch sử bệnh sùng bái lãnh đạo, tôn thờ cá nhân. Ngay cả ở Việt Nam. Từ khi đất nước tan hoang về mặt kinh tế trong những năm sau 1975, phải mở ra một thời kỳ “đổi mới kinh
tế”, người dân nói chung đều thấy trong cuộc “sống và chiến đấu” hàng ngày của mình cho miếng cơm manh áo, ông Hồ Chí Minh chẳng có vai trò gì cả. Ngày xưa quá bần cùng, cơ cực, không thể nói rằng ông không có trách nhiệm. Ngày nay nhờ từ bỏ đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa mà cuộc sống đầu tắt mặt tối của người dân đã phần nào có ánh sáng, thời giờ nào mà người ta có cho việc đi thăm lăng bác, trừ những người cùng quê với ông tổng bí thư. Trong công cuộc đổi mới kinh tế, người dân cả nước nói chung, và nhất là người dân phía nam nói riêng, nhiều người vẫn xem ông Võ Văn Kiệt là người “cứu tinh”. Những người Saigon cũ rời khỏi nước sau năm 1985 cũng có thể có người ghi nhận sau 1975, ông là người lãnh đạo hiếm hoi - hầu như là duy nhất - của Saigon, thậm chí của cả nước, hiểu được sự quẫn bách nghiêm trọng trong đời sống kinh tế của nguời dân và tìm đủ cách “tháo gỡ cơ chế” của Trung ương để cho người dân có thể ngoi lên mặt nước để thở. Thế nhưng trong cách mà báo chí tưởng niệm ông trong những ngày qua, nhiều người quan sát bỗng cảm thấy sự phơi bày của những “hiện tượng” mà người ta đã tưởng không còn hiện hình nữa sau hơn 20 năm đất nước bước vào “vận hội đổi mới”. Đúng như một mục báo của tờ Saigon Tiếp Thị: Hiện tượng Võ Văn Kiệt.

Âm thanh náo nhiệt
Ông Kiệt mất vào lúc gần 7 giờ sáng thứ tư tại một bệnh viện ở Singapore. Đến chiếu thứ năm mới có thông báo chính thức của đảng và nhà nước Cộng Sản tại Hà Nội về cái chết của ông cùng quyết định tổ chức quốc tang cho ông. Đúng là “tang gia bối rối” đã phơi bày những vụng về trong “cơ chế lãnh đạo” cũng như mức độ “tự chủ” và “độc lập” của giới truyền thông trong nước. Từ năm 1975 đến giờ, tuy măng chưa mọc, nhưng tre đã già nhiều lắm rồi. Nhiều nhân vật tầm cỡ hàng đầu đã ra đi, như Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Hùng, Cố vấn Lê Đức Thọ, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Nhưng có đám ma nào lớn đến thế, có lúc nào mà người dân chú ý đến thế sự qua đời của một người lãnh đạo, và báo chí có lúc nào được tự do không bị giới hạn về ý, về lời, về số chữ cho người vừa nằm xuống như thế? Dù sao đám tang này cũng làm cho những người còn lại như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Nguyên Giáp … phần nào an tâm.
Sau khi làm cho giới quan sát lên ruột vì sự im lặng hơn một ngày của mình, giới lãnh đạo cung đình ở Hà Nội đã “nhanh chóng” hành động, và cho thấy khi cần có một thái độ chính trị tỏ ra “rộng rãi, hào phóng” với miến nam, họ đã không thiếu khôn lanh trong quyết định. Mặc dù đã có sự “phân công” truyền thống rõ rệt giữa hai miền bắc/nam, miền bắc thì nắm chuyên chính vô sản, miền nam thì chỉ việc chăm lo làm ra của cải vật chất để củng cố “hậu phương”, nhưng nhờ lợi thế “sân nhà” là trung ương, cho nên miền bắc vẫn tìm cách lấn sân, thao túng lĩnh vực kinh tế màu mỡ mà sự lãnh đạo đã giao cho miền nam, “cái nôi của sự đổi mới”. Mối quan hệ giữa hai miền, xét trên bình diện của giới lãnh đạo, gần đây lại căng thằng, không chỉ vì thẩm quyền trong các vụ án chống tham nhũng và vụ hai nhà báo của TPHCM bị bắt, mà còn vì tình trạng lạm phát, tín dụng, ngân hàng… rối bời, cho người ta dịp xài xể sự thiếu năng lực của những người lãnh đạo kinh tế. Với cái chết của ông Kiệt, tưởng không có dịp nào tốt hơn để “làm hòa”, tỏ sự đoàn kết giữa hai miền.
Mặt khác, ông Võ Văn Kiệt, về hưu trong thế bất đác dĩ cách đây 10 năm, mặc dù năm nay đã 86, vẫn tỏ ra là một cái gai ngày càng có thể làm độc. Ông là cái gai vì những vấn đề nhức nhối mà ngồi buồn ông lại nêu lên. Và uy tín của ông như một lãnh tụ của miền nam là không thể chối cãi. Những người miền nam ông đã cấy ở trung ương như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Trương Vĩnh Trọng… còn lâu mới có được sức mạnh, khả năng tập họp các vùng ở phía nam, từ đồng bằng sông Cửu Long, cao nguyên nam phần, đông nam bộ, tây nam… như ông. Nay thì ông Kiệt đã qua đời, lá cờ đầu đã gảy. Cái khoảng trống ông để lại còn lâu mới được lấp đầy. Như một lãnh tụ phía nam. Như một người đối kháng chống lại quyền lực thao túng và thế lực trùm khắp của đảng ở trung ương. Còn lâu lắm mới có một người ở miền nam ăn nói được như ông. Có dịp nào vui hơn mà không tổ chức ăn mừng một cách tế nhị như thế.
Hiện tượng Võ Văn Kiệt
Làng báo Việt Nam mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đoan chắc tự do không thua bất cứ nước nào trên thế giới trong nhiều tuần qua đã bị bóp miệng tức tưởi vì vụ án Nguyễn Việt Tiến nay được bung ra để tha hồ ca. Cuộc đời của ông Kiệt đã qua nhiều giai đoạn thử thách khác nhau, từ hơn 20 năm trên chiến trường miền nam đến lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong “thời kỳ quá độ” (1975-81), rồi ra Trung ương cầm đầu Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; từ Đại hội VI năm 1986 dến khi ông phải ra khỏi guồng máy lãnh đạo năm 1997 ông ở trong vị trí lãnh đạo chính phủ mà vẫn phải vật lộn với cơ chế… Đời tư của ông cũng có những giai đoạn khác nhau, có lúc này lúc nọ, nhưng nói chung rất “con người”, không có gì “thần thánh” như “Bác Hồ vô vàn kính yêu”. Có nhiều điều người ta sau này có thể viết về ông, nhưng sẽ không viết, bởi vì cơ chế chính trị theo “qui luật của muôn đời” sẽ không cho phép người ta đi sâu vào cuộc đời hay sự nghiệp của một cá nhân nào. Trong dịp ông qua đời này, dĩ nhiên những bài văn phúng điếu đăng trên báo chí chỉ có thể nói những điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp nhất là những điều người ta tin được. Nhưng từ cơ chế mà ra một số người chỉ quen viết những điều huyền thoại người ta không thể tin được. Cho nên những điếu tốt đẹp nhất người ta đã không nói. Đó là những lời vửa phải có thể làm cho ông ngậm cười nơi chin suối thay vì phải đỏ mặt. Có người nói ông là người nam bộ, thâm tâm ông cực kỳ ghét chính trị cung đình, sự sùng bái lạnh tụ, văn hóa Mao-ít học đòi chính trị của Trung Quốc và tung hô lãnh đạo theo kiểu Stalin. Khi bắt ông đứng chụp ảnh trước kệ sách sắp ngay hàng thẳng lối, màu sắc hài hòa, hay đứng tưới hoa trong vườn trong nhà, rõ rệt người đó không phải là ông.
Phần lớn những người viết bài có tính điếu văn cho ông Kiệt là thành phần tuyển chọn, và đều có ý hướng trong tiềm thức biến ông thành một hiện tượng. Cho nên người ta nói đến “hiện tượng Võ Văn Kiệt”. Trong những bài đó, quái đản nhất có thể là bài trên tờ Nhân Dân của Trần Hữu Phước, được gọi là “thư ký riêng” của ô ng. “Anh Sáu” theo cơ chế bổ nhiệm có nhiều trợ lý , nhiều thư ký. Nhiều người, cũng như “đồng chí Trần Hữu Phước” này, viết về anh thì ít mà thâm tâm nói về tôi thì nhiều. Ông Kiệt mà để ý đến những cái vụn vặt như cho người châm trà, tiếp thuốc… cho nhân viên thì ông chỉ “ruồi bu”, không thể làm chuyện lớn được. Thời buổi kinh tế khó khăn mà ông cứ phải lo quà cáp cho người ở trung ương, lo xe cho ông Phước này mỗi tháng về thăm quê thì ông đúng là người phải lạm quyền và tham nhũng lắm mới xuể. Mà Trần Hữu Phước là ai. Một “nghiên cứu sinh” triết học ở “Viện Hàn Lâm Liên Xô” thời còn mồ ma Lê-nin – nay đang thất nghiệp hằng hà sa số ở Hà Nội…
Nói đến hiện tượng ắt người ta phải nói đến bản chất. Sau ngày “giải phóng”, những người phải đi “học tập cải tạo” tập trung hay tại chỗ thường xuyên phải nghe người ta nói đến “hiện tượng” và “bản chất”, để hiểu rằng cái bề ngoài mà người ta nhìn thấy ở một con người có thể rất khác xa với cái bên trong thực sự của con người đó. Đó là cách người ta biện minh vì sao người “vô sản” lại chẳng bao giờ tin được, hợp tác được với người tiểu tư sản hay tư sản, cho nên trước khi cướp được chính quyền thì cho người ta đi mò tôm, sau khi có chính quyền trong tay thì cho người ta đi “cải tạo” . Hiện tượng Võ Văn Kiệt là hiện tượng về con người Võ Văn Kiệt, một con người “trung với nước, Hiếu với Dân” (như tên con gái của ông), gần gũi với mọi tầng lớp, mọi thành phần trong dân chúng và đi sát với cuộc sống của xã hội. Nhưng bản chất của Võ Văn Kiệt là bản chất của giới lãnh đạo của một đảng “chuyên chính”, của nhà nước, phái tuân thủ những qui luật của muôn đời của một cơ chế chính trị cung đình cổ hủ, sa đọa, thoái hóa. Chỉ có đối chiếu hiện tượng và bản chất mới thấy được tấn “bi kịch” nơi cuộc đời và sự nghiệp của Võ Văn Kiệt.
Người ta thường ghi nhận năm 1995 như một dấu mốc trong những lời phát biểu công khai gây dư luận sôi nổi của ông Kiệt. Sau khi ông phải thoái vị năm 1997 để trao ấn tín lại cho Phan Văn Khải một người nam nhưng được đào tạo chính thống từ chốn cung đình trong thời chiến tranh, ông Kiệt phát biểu còn mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn. Thực ra, trước năm 1995, ông đã có những lúc nói những lời cũng tương đối mạnh dạn, như năm 1994 ông cho rằng người ngoài đảng “có thể” được cơ hội “phục vụ nhà nước xứng đáng hơn”. Có lẽ ông nói thế sau khi dã gặp “Bộ trưởng cao cấp” Lý Quang Diệu và nghe những kinh nghiệm của ông họ Lý người Ba Tàu quốc tịch Singapore gốc Biên Hòa này về cái đảng PAP (Nhân dân Hành đông) của ông ta lâu nay xem 7, 8 đảng “đối lập” ở Singapore như pha. Điều đúng ra phải nói là bộ máy chính quyền phải mở ra những cơ hội công bằng, dân chủ, xứng đáng để thu hút người tài thì may ra nhà nước mới khá được. Nhưng nói như cách nói rụt rè của ông Kiệt mà cơ chế của đảng và Nhà nước còn bỏ ngoài tai, huống gì nói thẳng, nói thật, một cách trung ngôn.
Cách mạng và cơ chế
Điều mà những người Cộng Sản phía nam hãnh diện về ông Kiệt là tính cách nam bộ của ông, “dám nghĩ dám làm”. Ngay cả ông Đỗ Mười cũng nói về ông Kiệt “Tuy không có điều kiện được học tập và tốt nghiệp ở các nhà trường…”. Hay một ông tổng biên tập nhờ lòn lọt trong cơ chế mà bám được chức vụ của mình hơn 20 năm dù có thể chỉ học chưa qua được lớp 10, cũng nói: “Anh Sáu không đươc học nhiếu như thế hệ chúng tôi…”. Cái giới hạn đó không làm cho sự tưởng tượng của ông bị giới hạn nhiều về những việc phải làm, phải thay đổi.
Ông có những khôn ngoan, kinh nghiệm sống ở miến nam cho nên sớm thấy được sự sai lầm, bế tắc trong đường lối “cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở phía nam sau năm 1975 cũng như sự bạc xử, kỳ thị ngay cả trong đảng, trong mặt trận, không nói đến những thành phần trong xã hội cũ, chế độ cũ. Nhận thức này về nhu cầu của một cuộc “cách mạng trong nhận thức và hành động” ông có được chính là nhờ ông đã khôn ngoan “học được những bài học từ thực tiễn”, thiết lập được quan hệ với nhiều giới trong “xã hội tại chỗ” (không bao gồm những thành phần chi viện ồ ạt từ ngoài bắc vào). Ông lắng nghe họ, và từ đó chiêm nghiệm được những giaỉ pháp có thể có cho tình hình đó. Ông chính là đầu mối duy nhất, trung gian duy nhất của những người lãnh đạo tại Hà Nội với thực tế ở miền nam. Mặt khác, ông cũng đã phải khéo “xoay sở” lắm để nổi lên giữa những thế lực lớn của chốn cung đình như Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Trong chừng mực nào đó, ông không ngại có những hành động có tính khai phá. Chính ông là người ủng hộ việc nêu lên trên tờ Tin Sáng vào đầu năm 1980 những ý kiến của các ông Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Diệp… về nhu cầu phải đồi mới ngành ngân hàng, tín dụng, ngoại thương… Cũng chính ông có bài phỏng vấn đầu tiên của một người lãnh đạo về nhu cầu đổi mới năm 1986 trên một tờ báo không phải báo đảng “Đổi mới để phát triển, phát triển để đổi mới”. Và cho đến nay, ông là thủ tướng duy nhất viết lời tựa cho một cuốn sách tiếng Anh, xuất bản ở Úc, năm 1990 về công cuộc đổi mới ở Việt Nam!
Ông là người mạnh dạn nhất xướng xuất đổi mới, nhưng ông tổng bí thư đầu tiên của thời đại đổi mới là Nguyễn Văn Linh. Cái chữ người ta nghe ròn rã trong những năm 80 và 90 chính là cơ chế. Các địa phương đòi cởi bỏ hay tháo gỡ cơ chế để tự lo đổi mới. Họ xem đó là vòng kim cô trên sự phát triển. Suy nghĩ sâu xa hơn, cơ chế chính là vòng kim cô của đất nước. Nhưng qua kinh nghiệm của Đại hội VI, ông Kiệt hiểu rằng người ta có thể chết như chơi vì cơ chế. Như Trần Xuân Bách hay cả Nguyễn Cơ Thạch. Và cả Nguyễn Văn Linh. Cơ chế hữu hình như bộ máy đảng và bộ máy chính phủ. Cơ chế vô hình như những thế lực lớn đang nắm hết quyền lực bao gồm hết cả đảng, nhà nước, quốc hội… Để tồn tại và tiếp tục mục tiêu của mình, người ta trước hết phải tồn tại trong cơ chế. Để cho miền nam có thể hiện hữu một cách “xứng đáng” trong một sự phân chia quyến lực giũa trung ương và địa phương, người ta phải giữ, thậm chí bảo vệ, cơ chế, biết sống trong cơ chế, thay vì tìm cách phá bỏ nó.
Bởi thế mà có người trách ông Kiệt đứng trong phe bảo thủ cùng chung chiến tuyến với Đỗ Mười trong Đại hội VII để đánh đổ Nguyễn Văn Linh “trung dung” và Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch… “cấp tiến”. Có người trách ông ký những quyết định mất lòng dân như bắt giữ không xét xử những người bất đồng chính kiến. Không phải tự dưng mà có tai tiếng vợ ông, con trai của ông đã làm những việc thu vén mà cơ chế cho phép họ làm thay ông. Rốt cuộc, những hoài bão “cách mạng” , những ý muốn tạo những thay đổi lớn lao vế chính trị, kinh tế, xã hội của ông Kiệt như ông nói vẫn chỉ là những ước mơ có tính hiện tượng. Trong khi đó, cơ chế vẫn vững mạnh trong nhiệm vụ bảo vệ bản chất của chế độ, của lãnh đạo. Cái bi kịch trong cuộc đời và sự nghiệp của ông Võ Văn Kiệt, nay ông đã nằm xuống, chính là ở chỗ đó: con đường ông đã mở ra sẽ chẳng có ai đi qua, đi ngang, đi tới…

Keine Kommentare: