Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune
Sự việc xảy ra bao giờ cũng có lô-gích của nó. Đúng vào ngày lưỡng cửu, 9-9, Tổng thống Barack Obama đã khuyên nhủ Quốc Hội “không phải là lúc chúng ta ngồi đặt vấn đề nữa rồi”, mà “đã đến thời phải hành động”, “thời phải thực hiện”, và ông vẫn sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp lưỡng đảng. Nhưng ông dân biểu Joe Wilson thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang Oklahoma đã đứng dậy hét lớn “đồ nói láo”, như thể ông là người điên đang đứng giữa chợ Cầu Ông Lãnh, cho nên ông đã bị Hạ Viện đưa ra biện pháp khiển trách. Dù cho bị khiển trách, ông đã tạo được khí thế cho chính ông và đảng Cộng Hòa. Cho chính mình, ông thu được hơn một triệu đô la cho cuộc bầu cử sang năm. Đối với đảng Cộng Hòa, ông cho thêm củi lửa. Những người Cộng Hòa tại Quốc Hội cũng như ngoài đường phố vẫn tụ họp la lối là ông Obama đã đi theo con đường “chủ nghĩa xã hội”, làm “phình chính quyền”, “chi tiêu bất kể” làm cho ngân sách thiếu hụt đến cả ngàn tỷ, và áp đặt sưu cao thuế nặng lên người dân. Những lời tố cáo đó không khỏi làm cho “đa số thầm lặng” xao xuyến, phải tự hỏi có thật thế không, vì quả thật là ngân sách thiếu hụt ngày càng to lớn, và chính phủ ngày càng lớn, chi tiêu càng dữ. Lý do khiến người ta đặt câu hỏi là vì cái đa số thầm lặng có thể ủng hộ ông Obama chưa thấy có mối đe dọa nào về thuế cho mình, trong khi đó họ đứng sau lưng ông vì những kết quả tích cực hiển nhiên trong công cuộc chống lạm phát.
Dự luật Baucus
Sáng thứ tư, Thượng nghị sĩ Max Baucus, thuộc đảng Dân Chủ tiểu bang Montana, chủ tịch Uỷ ban Tài chánh Thượng viện, đã xuất trình Dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, là một báo hiệu cho thấy chính quyền Obama quyết tâm đi tới như đã hứa, và cũng sẵn sàng thỏa hiệp trong chừng mực hợp lý – như đã hứa. Lý do Nhà Trắng vẫn không đưa ra dự luật riêng của phía Hành Pháp là vì họ không muốn áp đặt hay bó chân bó tay những người dân cử tại hai viện trong việc thảo luận nội dung cải tổ. Vả lại, rõ ràng việc có dự thảo riêng là không cần thiết khi Nhà Trắng đã làm việc chặt chẽ với những người dân cử tại Thượng viện và không thể nói rằng họ không đồng tình với nội dung chủ yếu của dự luật mà ông Baucus đưa ra. Và điều người ta để ý nhất trong nội dung này chính là ở chỗ dự luật không có điều khoản về “giải pháp công quản” (public option) - một hệ thống bảo hiểm song hành do chính phủ điều hành nhằm phục vụ những người không muốn haykhông thể đi với bảo hiểm tư nhân. Thay vào đó, người ta đề cập đến giải pháp “hợp tác xã bảo hiểm” không vụ lợi nhuận. Những người Cộng Hòa ngay trong ủy ban tài chánh này đang ngúng nguẩy, tạo ra khả năng chẳng có người nào trong họ bảo trợ dự luật này cả. Mặt khác, một số thành viên có tính cấp tiến trong đảng Dân Chủ trong ủy ban tài chánh này cũng bực bội, họ nói rằng nếu không có “giải pháp công quản” họ sẽ chẳng bỏ phiếu thuận.
Dự luật của ông Baucus đã đưa ra một phí tổn ngân sách khoảng 856 tỉ trong thời gian 10 năm - bớt được cả 200 tỉ so với những ước tính ban đầu. Trong số này, 500 tỉ là do cắt giảm một số chi tiêu trong bảo hiểm, bệnh viện, Medicare, Medicaid, và 350 tỉ là tăng thuế. Nó qui định bảo hiểm y tế là điều bắt buộc với mọi người dân, và để tạo điều kiện giúp những người có lợi tức thấp hay trung bình mua bảo hiểm, dự luật đặt ra những khoản “bồi hoàn từ thuế”, hay “tín thuế” (tax credits) để người dân mua bảo hiểm có thể lấy lại tiền từ chính phủ qua khai thuế. Theo dự luật này, cũng sẽ có những “thị trường mua bán bảo hiểm” để cho những nhóm nhỏ và cá nhân có thể đi tìm mua bảo hiểm y tế với giá vừa phải. Nó cũng cấm các công ty bảo hiểm từ chối một người có bảo hiểm trong trường hợp người này có bệnh nếu người này vẫn thanh toán bảo phí đầy đủ. Dự luật cũng đưa ra những điều khoản bảo vệ những người có “vấn đề sức khỏe trước đây” (pre-existing conditions). Ũy ban Tài chánh Thượng Viện là ủy ban cuối cùng trong năm ủy ban Quốc Hội cần tham gia việc thông qua những đề nghị của luật y tế trước khi vấn đề có thề được đưa ra họp khoáng đại tại cả Thượng Viện và Hạ Viện. Nhiều nội dung của dự luật mà những người Dân Chủ đã đề nghị đã được thông qua ba ủy ban của Hạ Viện cũng như Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí của Thượng viện. Đó là lý do vì sao ông Obama nói “chúng ta đã đồng ý đến 80% nội dung” của dự luật. Ông Obama đã hỏi: “Khi nào chúng ta mới chịu nói cãi cọ qua lại như thế là đủ rồi. Chúng ta còn chờ thêm bao nhiêu công nhân bị mất bảo hiểm nữa mới chịu hành đông? Bao nhiêu gia đình nữa phải táng gia bại sản vì trong nhà có người thân mắc bệnh? … Chúng ta đã nói về vấn đề này cho đến hết từ năm này qua năm khác, từ thập niên này qua thập niên khác. Chưa đủ sao?”.
Dự luật của Baucus được xem là dự thảo có tính lưỡng đảng mạnh mẽ nhất, được xem là sản phẩm của một “lục nhân bang”, trong đó có ba nhân vật chủ chốt của Cộng Hòa là Thượng nghị sĩ Olympia Snowe (Maine), Charles Grassley (Iowa) và Mike Enzi (Wyoming). Về phía Dân Chủ, ngoài ông Baucus còn có Thượng nghị sĩ Jay Rockeffeller (West Virginia) và Kent Conrad (North Dakota). Trong một bản văn được đưa ra chiều thứ ba, ông Grassley nói trong những vấn đề còn phải giải quyết là phí tồn mà người nộp thuế phải gánh chịu, khả năng tài chánh để mua bảo hiểm của người dân, chống bảo hiềm cho việc phá thai, chống bảo hiềm cho di dân lậu, hạn chế kiện cáo nhằm vào những trường hợp hành nghề y tế sai lầm và hạ thấp chi phí. Ông cũng đòi hỏi dự luật này một khi được ủy ban tài chánh thông qua sẽ không được sửa đổi khi đưa ra họp khoáng đại. Trong khi đó, phía Dân chủ cũng có chống đối, cụ thể nhất là ông Rockefeller nói dự luật của ông Baucus thiếu điều khoản về “giải pháp công quản” mà ông Obama và những nguời cấp tiến trong Dân Chủ xem là “không có không được”, vì ông Baucus muốn lôi kéo một vài thành viên đảng Cộng Hòa nhưng không chú ý đến “lợi ích của quần chúng”.
Chủ nghĩa xã hội?
Người ta hiểu rằng có hai bước thỏa hiệp có tính tiên quyết trước khi dự luật này được đưa ra Thượng Viện để thảo luận. Bước đầu tiên là “Gang of Six” - Lục nhân bang – này phải nhất trí trước nội dung để cho ủy ban tài chánh trong bước thứ hai thông qua luôn. Và nói xa nói gần, vấn đề chính là ở “giải pháp công quản” – đó là việc ngành kinh doanh bảo hiểm lo rằng nếu chính quyền có hệ thống bảo hiểm y tế quốc doanh thì tư nhân hết đường làm ăn độc quyền như cũ. Kết quả của các cuộc thương lượng trong nội bộ “Lục nhân bang” cũng như trong nội bộ Ủy ban Tài chánh Thượng Viện sẽ cho chúng ta thấy “màu sắc đồng tiền” là thế nào. Cho đến khi ngã ngũ mọi chuyện, người ta không có lý do gì để lạc quan là giới đại xì thẩu của Mỹ sẽ biết điều hơn.
Tuần này người ta có dịp tưởng niệm một năm chủ nghĩa tu bản Mỹ bị “đột quị” – công ty đầu tư lớn hàng đầu của Mỹ, Lehman Brothers, bị phá sản, và mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chánh ngân hàng của nước tư bản không lồ nhất thế giới. Cuộc suy thoái kinh tế đã bắt đầu từ quí tư năm 2007 vì long tham đến mà mắt tối dạ của giới tư bản tài chánh trên Wall Street thêm trầm trọng vì sự sụp đổ không tránh khỏi của cả hàng loạt công ty tài chánh, bảo hiểm, ngân hàng. Khi người ta mượn lời của các ông dân biều, nghị sĩ, một số thành phần bảo thủ và khuynh hữu để tố chính quyền “lớn”, chính quyền “vung tay quá trán”, người ta đã cố tình nhắm mắt trước một thực tế có tính cách là nguyên do của sự “lộng hành” của chính quyền: sự lộng hành của giới tư bản tài chánh do sự lơi lỏng của chính quyền trong việc kiểm soát và điều tiết.
Nay thì ai cũng an tâm, thư thái để tố chính quyền, nhưng sự an tâm thư thái của người ta, còn nói được, còn viết được, còn la hét được, chính là nhờ chính quyền đã “ôm đồm gánh vác việc giữa đường”, những hậu quả của tình hình suy thoái và cứ ôm thêm việc, chi tiêu thêm nhiều để cho nến kinh tế không tuột xuống nữa, việc làm ít bị mất hơn, các chính quyền tiểu bang không bị phá sản, những người thất nghiệp, người già, người bệnh, người nghèo, trẻ em, sinh viên, học sinh.. không bị khốn đốn. Một chính quyền trong khi nguy khốn như thế đã tỏ rõ mình là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Một chính quyền vì một đại đa số thầm lặng. Một chính quyền dân chủ, có nghĩa là người dân làm chủ và mục tiêu ưu tiên vẫn là lợi ích, hạnh phúc, an toàn của người dân.
Từ khi có sự hình thành của chủ nghĩa tư bản, sự đối kháng trong xã hội giữa thiểu số tư bản tài phiệt và đại đa số dân chúng là thành phần dân lao động nghèo khổ, bị bóc lột, khai thác… là chuyện thường trực. Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đã xuất phát từ thực tế xã hội này, nhằm mưu cấu hạnh phúc, lợi ích, an toàn cho quần chúng lao động. Sự thử nghiệm của chủ nghĩa cộng sản đã là một thất bại nghiêm trọng của chủ nghĩa xã hội. Nhưng mặt khác, chủ nghĩa xã hội cũng đã đạt được thắng lợi ở nhiều chế độ theo mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, khi ngưòi ta tìm cách giải quyết và bảo đảm những nhu cầu căn bản của người dân lao động, như y tế, giáo dục, nhà ở, an sinh xã hội… Nhiều người Mỹ vận quen nhìn chủ nghĩa xã hội như những gì có tính công sản mà ngưòi ta ghét, người ta chống, như những gì có tính đối nghịch “một mất một còn” của chủ nghĩa tư bản, mà người ta xem là nền tảng của sự phồn vinh của nước Mỹ. Nếu một chính quyền trong một chế độ kinh tế tư bản không có khảo hướng xã hội chủ nghĩa, họ không thể nâng giới lao động lên để làm giảm đi sự đối kháng, và cũng không thể kềm chế được giới tư bản để giảm bớt tính tham lam, khai thác, bóc lột, bất kể hậu quả cho xã hội, cho đất nước.
Trong khi những người tôn sùng chủ nghĩa tư bản đang phê phán ông Obama, người ta lại thấy nếu chính quyền không “chủ nghỉa xã hội”, không đứng về phía hạnh phúc, an toàn của đa số người dân, thì phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Những người tư bản vẫn có đầy đủ khả năng tạo ra một cuộc suy thoái mới mặc dù suy thoái cũ chưa hẳn hết. Trước đây chúng ta chỉ biết con người vốn tham, và con người tư bản tài phiệt càng quá tham. Nhưng chúng ta vẫn có ảo tưởng những nhà điều hành kinh doanh tư bản phải là giỏi tính toán, giỏi quyết định, biết phán đoán và hiều thế nào là hợp lý hay không hợp lý. Thế nhưng chỉ trong hai chuyện vỡ lỡ trong tuần này làm cho người ta thấy kinh hoàng và nghĩ rằng chính quyền có lý khi đứng ra “thách đố quyền lực” của giới tư bản. Chuyện thứ nhất là ngay trước khi phá sản, những người trong Hội đồng quản trị của Lehman Brothers vẫn còn đủ lòng dạ tính chuyện lấy ra hàng tỷ để tự thưởng cho mình công lao làm cho công ty của mình sụp đổ. Chuyện thứ hai, một bà phó tổng giam đốc ngân hàng Wells Fargo, Cheronda Guyton, 39 tuổi, dám ngang nhiên, không thấy ngượng, không thấy chướng, không sợ dư luận, không sợ luật pháp, chẳng ngại tiếng tăm cho công ty, bà sử dụng một biệt thự nghỉ mát đắt tiền, sang trọng, nằm trong vùng bãi biển Malibu của giới thượng lưu. Biệt thự này là tài sản của khách hàng bị kéo vì vụ Bernard Madoff. Bà phó chủ tịch, vốn phụ trách về những tài sản bị tịch thu, nên có chìa khóa, và cứ cuối tuần lại đưa gia đình, bạn bè đến vui chơi, đi du thuyền, tắm nắng, nhảy đầm… Wells Fargo hôm thứ ba đã có quyết định sa thải bà. Vấn đề là để cho sự đối kháng giai cấp được thỏa hiệp, chính quyền phải kéo người dân lên, và giới tư bản phải hạ thấp lòng tham của mình xuống. Điều đầu tiên cần có một chính quyền “thực sự dân chủ”. Điều thứ hai cần phải có những người tư bản bớt tham và có đủ khôn ngoan, lý trí.
Thượng đế cũng phải phát khùng vì con người tư bản trong thời “quá độ” - tham lam đến quá mức tưởng tượng này. Và nếu chính phủ dân chủ, của dân, do dân, vì dân, mà không có tinh thần vì lợi ích xã hội chủ nghĩa của người dân, cứ để cho giới tư bản làm càng, làm bậy, thì còn gì người dân, còn gì xã hội, còn gì đất nước?
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen