Samstag, 17. Oktober 2009

HOÀNG HẠC LÂU


Thursday, October 15, 2009 

hhl Hoàng Hạc Lâu của Đại học Đà Lạt mang tên Năng Tĩnh. (ảnh doBBT/ ĐS Thụ Nhân cung cấp)

1
* Thạch Lai Kim

Các anh chị thân mến,

Tôi chỉ muốn gửi slide show ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ do một người bạn gửi để các anh chị xem và giải trí vào dịp cuối tuần mà thôi. Không ngờ khiến anh Thông cảm hứng viết một bài quá hay. Anh Thông đề nghị tôi viết phần dẫn nhập cho bài cảm hứng của anh. Viết gì đây? Tôi tự hỏi và cuối cùng chọn cách dễ nhất là tìm tài liệu liên quan đến ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ để đóng góp cho bài cảm tác của anh Thông.

Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hạc Vàng) nằm trên ngọn Xà Sơn thuộc thành phố Vũ Hán, vùng Vũ Xương bên tả ngạn Trường Giang tỉnh Hồ Bắc. Hoàng Hạc Lâu (HHL) nổi danh là một trong ba danh lâu của Giang Nam – HHL, Hồ Nam Nhạc Dương Lâu, Giang Tây Đằng Vương Các. HHL nguyên thủy được xây cất vào thời Tam Quốc gồm ba nước Ngụy, Ngô và Thục. Giang Nam thuộc Ngô.

Có hai truyền thuyết về danh xưng HHL mà các anh chị đã đọc trong slide show. (xin xem ghi chú)

(Ghi chú:

1)- Có người con gái họ Tân mở một quán rượu. Một hôm có vị tiên ông đến uống. Nàng không lấy tiền. Để tạ ơn cô chủ quán, vị tiên ông này trước khi từ giã, vẽ lên vách một con hạc và bảo rằng hạc có thể nhảy múa để giúp vui. Từ đó quán rất đông khách. Cô chủ quán trở nên giàu có. Mười năm sau, vị tiên này trở lại, thổi tiêu tấu khúc rồi cưỡi hạc đi mất. Để kỷ niệm và nhớ ơn vị tiên ông đã giúp mình giàu có, Tân thị xây cất tại đây một lầu lấy tên là «Hoàng Hạc Lâu». (Theo Cực Ân Lục).

2)- Ngày xưa có một tiên ông tên Phí Văn Vĩ thường cưỡi hạc đi ngao du và đã có lần dừng chân tại lầu nầy. Do vậy lầu được cải danh là HHL ).

Ngoài ra, theo sử liệu Lý Kiết Phủ đời Đường trong tập ‘‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ ghi chép:

‘‘Năm thứ hai Ngô Hoàng Vũ (tức năm CN 223), thành Giang Hạ là thành trì trấn giữ chống sự xâm nhập của các bộ tộc phía Tây. Phía Tây thành này gần sông lớn, góc Tây Nam là cồn cát đá nên lập một lầu canh, gọi là Hoàng Hạc Lâu.“ Như vậy, tiền thân của Hoàng Hạc Lâu là một lầu canh gác dùng cho mục tiêu quân sự.

唐 代 李 吉 甫 編 寫 的 《元 和 郡 縣 誌》 載:“吳 黃 武 二 年,城 江 夏,以 安 屯 戍 地 也。城 西 臨 大 江,西 南 角 因 磯 為 樓,名 黃 鶴 樓。”原 來,黃 鶴 樓 的 前 身 只 是 軍 事 上 用 的 守 望 樓

(tài liệu: Mạng Nhân Dân).

Nếu điều này đúng thì không những chỉ bài thơ ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ sau đây của Thôi Hiệu mà cả câu chuyện thần tiên xây dựng chung quanh HHL quả là một kiệt tác văn học đã biến thực tại „lầu canh“ thành nơi đầy truyền thuyết thơ mộng và là một thắng cảnh du lịch hiện nay.

Trải qua nhiều thế kỷ, HHL bị hư hủy và xây dựng lại nhiều lần. Dưới triều nhà Thanh, năm Quang Tự thứ 10 tức năm 1884, HHL bị hỏa tai và bị thiêu hủy hoàn toàn; sau đó được tái thiết, trùng tu nhiều lần. Đến năm 1957, vị trí của HHL nằm trong một công trình xây cất cầu qua Trường Giang nên bị hủy đi một lần nữa. Tháng 10-1981 chính phủ thành phố Vũ Hán quyết định trùng kiến HHL dựa vào các sử liệu và theo mô hình giống như kiến trúc cũ, tại một địa điểm cách vị trí cũ khoảng 1 km. Công trình hoàn tất vào tháng 6-1985. HHL mới gồm 5 tầng - hơn kiến trúc cũ 2 tầng - cao 51,4 m, cao hơn kiến trúc cũ 20 m. Tầng dưới bề rộng 30m gấp đôi so với HHL cũ. Tầng trên cùng rộng 18 m. Trần thiết bên trong mỗi tầng một khác. Tầng dưới cùng là một đại sảnh. Trên tường chính diện là bức bích họa „Bạch Vân Hoàng Hạc“ (Mây Trắng Hạc Vàng) rất lớn bằng đồ sứ, hai bên bức họa là câu đối liễn:

‘‘Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám; đại giang đông khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu“

爽 氣 西 來,云 霧 掃 開 天 地 撼;大 江 東 去,波 濤 洗 凈 古 今 愁.

Dịch nghĩa: Gió mát từ phương tây thổi đến, mây mù bị quét khỏi, trời đất lung lay. Sông lớn chảy ra biển đông, sóng nước rửa sạch mối sầu vạn cổ.

HHL kiến trúc cũHHL kiến trúc mới

Tầng hai: Trần thiết các trước tác ghi lại lịch sử của HHL gồm „Hoàng Hạc Lâu Ký“ của Diêm Bá Cẩn. Hai bức bích họa ‘‘Tôn Quyền Trúc Thành“ và „Châu Do Thiết Yến“, hai nhân vật lịch sử của nhà Ngô thời Tam Quốc. Tầng ba: Trên bích họa là các thi nhân thời Đường-Tống như Thôi Hiệu, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Giả Đảo, Lục Du, Trương Cư Chính … là những thi nhân danh tiếng đã trước sau đến viếng nơi đây với những phần trích lục về các trước tác của họ liên quan đến HHL. Tầng thứ tư được các bình phong ngăn ra thành nhiều khu vực nhỏ để làm ‘‘thương mại“. Nơi đây bày bán các danh tác thư họa cho du khách. Tầng trên cùng gồm nhiều bức bích họa khác trong đó có bức ‘‘Vạn Lý Trường Thành“.

Thôi Hiệu 崔 颢 (khoảng năm704-754) thi sĩ thời Đường, quê Biện Châu (nay thuộc Khai Phong, Hà Nam). Thuở nhỏ thích ngao du đây đó. Để lại cho hậu thế khoảng hơn 40 bài thi, trong đó nổi tiếng nhất là bài ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ mà Lý Bạch cho rằng mình cũng không sánh bằng.

 

黃 鶴 樓

昔 人 已 乘 黃 鶴 去,

此 地 空 余 黃 鶴 樓。

黃 鶴 一 去 不 復 返,

白 雲 千 載 空 悠 悠。

晴 川 歷 歷 漢 陽 樹,

芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。

日 暮 鄉 關 何 處 是,

煙 波江 上 使 人 愁.

Âm Hán-Việt:

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhựt mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu!

(bài này đã được nhiều thi sĩ danh tiếng dịch ra tiếng Việt).

HHL là một đề tài cho nhiều tao nhân mặc khách được thể hiện qua nhiều thơ phú nổi tiếng. HHL cũng là nơi mà các tu sĩ ‘‘Đạo Giáo“ thường hay đến đây lập đàn thuyết giảng giáo lý cho các tín đồ (Toàn Chân Giáo theo Kim Dung). Do bài thơ của Thôi Hiệu, HHL nổi tiếng và được tặng danh xưng „thiên hạ đệ nhất lâu“. Tục truyền Lý Bạch khi đến viếng HHL, vốn định đề vịnh thơ nhưng sau khi đọc bài ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ của Thôi Hiệu, ông không ngớt buột miệng ‘‘Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!“, rồi gác bút sang bên và bỏ ý định này.

Xúc cảnh sinh tình vốn là ‘‘nghiệp dĩ’’ của thi nhân. Do vậy mà Thôi Hiệu qua câu chuyện truyền kỳ về Phí Văn Vĩ, thấy lầu không quạnh quẽ đã cảm xúc và do đó đã để lại cho đời sau những câu thơ bất hủ

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Người xưa cỡi hạc vàng ra đi, để lại nơi đây lầu không trống vắng. Cảm xúc người viết! Cảm hoài người đọc. Một sự liên hệ: Phí Văn Vĩ đi rồi, Hoàng Hạc Lâu để lại. Thụ nhân phân tán khắp nơi, niềm thương yêu hãy còn gửi gấm ở mái trường xưa, ở nhà nguyện Năng Tĩnh. Bầu trời xanh, mây trắng ở Đà Lạt vẫn lững lờ trôi.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

HHL có sông to (đại giang), có đồi núi (Xà Sơn). Ô kìa! Dưới bầu trời trong sáng trên sông, cụm cây xanh của bến Hán Dương xa xa nhưng trông rõ mồn một. Hướng bên này bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc xanh um. Đối với thi sĩ cảnh tượng hôm ấy hiện ra rõ nét. Còn đối với ta Đà Lạt cũng đồi núi, rừng thông, Hồ Xuân Hương, Viện Đại Học… sao mà diệu vợi, mơ hồ.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhà thơ là khách lãng du, rày đây mai đó. Thế mà vẫn chạnh lòng nghĩ tới quê hương mỗi khi ánh tịch dương buông lơi, màn đêm phủ xuống. Đối diện với khói sóng man mác của dòng sông khiến mấy ai không trĩu lòng sầu muộn!?

Nhựt mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu!

Còn ta? Quê hương ta đâu? Lê Đình Thông cũng mang một nỗi buồn da diết và nghẹn lời nên gửi gấm tâm sự của người mất quê hương qua một bài thơ lục bát mà hai câu kết cũng không kém «sầu»:

Trên sông buồn bã khói tàn,

Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.

Xin quí vị và các anh chị đọc tiếp để cảm thông với niềm hoài cảm của Lê Đình Thông trong phần 2.


2

* Lê Đình Thông

Ban biên tập đặc san gồm có mấy người, mỗi người là bốn phương trời, mười phương Phật. Chúng tôi làm việc với nhau là nhờ internet, một người ‘‘phu xướng’’, anh em ‘‘phụ tùy’’. Không chậm trễ chút nào.

Làm việc bằng internet tiện lợi, nhanh chóng, lại không tốn kém gì. Cách làm việc này dần dà kết chặt tình thân. Tạm đặt tên tình bạn mới mẻ này là ‘‘Thụ Nhân net’’.

Cũng nhờ tình thân này mà cả nhóm nhận được đúng vào ngày ‘‘quatorze juillet ’’ (14 tháng 7) món quà của anh Thạch Lai Kim, không phải là bài thơ của Goethe, mà là Hoàng Hạc Lâu, nguyên tác chữ Hán của Thôi Hiệu, kèm theo các bản dịch của Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Ngô Tất Tố, Nguyễn Quảng Tuân, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, TN Nguyen.

Thơ giao duyên cùng nhạc dân gian của Trung Quốc và hình ảnh Vũ Hán, nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng Hạc Lâu.

Thuở xưa Phí Văn Vĩ thường cưỡi hạc bay về Hoàng Hạc Lâu. Còn ngày nay, bạn bè Thụ Nhân cưỡi Boeing tha phương khắp chốn.

Thơ của Thôi Hiệu thật là thấm thía, như đi guốc vào bụng sĩ tử Thụ

Nhân. Tôi nhận được ‘‘Hoàng Hạc Lâu’’ vào chặp tối. Tuy không có hạc vàng nhưng có nắng vàng. Nắng gợi nhớ nắng chiều trên nương đồi Đà Lạt thuở xưa. Hoàng Hạc Lâu của Đại Học Đà Lạt là Năng Tĩnh. Các môn sinh năm xưa đi rất xa về khắp nẻo. Anh Thạch Lai Kim thì ở tận bên Đức. Anh Dương Tấn Hải và chị Quản Mỹ Lan chia nhau miền xuôi Địa Trung Hải. Còn chúng tôi ở Paris phía Bắc nước Pháp.

Thôi Hiệu làm thơ viết rằng:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

昔 人 已 乘 黃 鶴 去,

此 地 空 余 黃 鶴 樓.

có khác nào nhắc nhở các sĩ tử Đại Học Đà Lạt cưỡi máy bay màu vàng, màu xanh đi viễn phương. Còn lại chỉ còn Năng Tĩnh trơ trọi một mình, cây thánh giá lẻ loi cũng bị người ta che mất.

Hai câu thực và trạng là cảm hoài tiếc nuối:

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

黃 鶴 一 去 不 復 返,

白 云千 載 空 悠 悠。

Ngày nay, mỗi sĩ tử Thụ Nhân là một Kinh Kha:‘‘nhất khứ bất phục phản’’, như Cửu Long nhấp nhô, như Gougah gập ghềnh. Một khi đã bỏ trường trôi dạt viễn xứ, ta không còn hy vọng trở về chốn xưa. Năng Tĩnh còn đây. Mây trắng còn đó. Nhưng môn sinh thì cách xa biền biệt. Không ai về lại lầu Năng Tĩnh để thơ thẩn ngắm mây trắng nổi trôi đến tận chân mây Trại Hầm, cuối núi Lâm Viên.

Anh Thạch Lai Kim nói rất là chí lý. Chỉ vì viết hấp tấp nên tôi bỏ sót chưa nói gì về hai câu luận. Trật thì phải sửa, thiếu phải thêm vào cho đủ. Chất liệu hai câu 5 và 6 là dòng sông hiện tại và chốn cũ ngọn cỏ rầu rầu :

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

晴 川 歷 歷 漢 陽 樹,

芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。

Dòng sông hiện tại có thể là sông Seine, hoặc bất cứ dòng sông nào, cuốn trôi bao hoài niệm tiếc nuối. Hán Dương thụ là cây Thụ Nhân trồng trước cửa văn phòng Đôn Hóa. Phương thảo thê thêlà đồi cỏ sân Cù. Hai câu luận réo rắt cung đàn. Thôi Hiệu gieo điệp ngữ ‘‘lịch lịch’’ đối lại với ‘‘thê thê’’. Lịch lịch là đi qua, đi qua, giống như thần chú chữ Phạn: gate gate, pàragate, pàrasamgate(Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia). Điệp ngữ cố tình (répétition voulue) bao giờ cũng tràn đầy nhạc tính, khiến lòng ta trăn trở thao thức, giống như mấy nốt nhạc lập lại của bài giao hưởng số 5 mà Beethoven từng thổ lộ: ‘‘Đó là tiếng gõ cửa của định mệnh’’ (C’est le destin qui frappe à la porte). Nguyễn Công Trứ cũng rót trầm nhập thanh: lịch (dấu nặng) rơi vào bài hát nói:

Chơi cho lịch mới là chơi,

Chơi cho đài các cho người biết tay.

Thi nhân chơi chữ thật là đài các. Lịch lịch là trôi đi trôi đi, đồng âm với lịch lịch: chim hót trên cành. Thê thê là cỏ xanh, cỏ xanh. Thê thê của Thôi Hiệu làm ta chạnh lòng nhớ đến Cỏ non xanh tận chân trời của Nguyễn Du. Thôi Hiệu ở bên Tầu vẫn còn thiếu một cành lê. Cỏ non của Nguyễn Du là tiền đề để thi nhân chấm phá cành lê hao gầy: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Theo chú thích của anh Thạch Lai Kim. Thôi Hiệu sinh năm 704, mất năm 754, cùng thời với Lý Bạch (701-762). Nhà thơ họ Lý ở đất Tứ Xuyên trước tác bài tứ tuyệt nghẹn ngào tiễn bạn ở lầu Hoàng Hạc:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,

Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

故 人 西 辭 黄 鹤 樓,

煙 花 三 月 下 楊 州。

孤 帆 遠 影 碧 空 盡,

惟 见 长 江 天 際 流。

Xin tạm dịch như sau:

Bạn bè Hoàng Hạc xa nhau,

Dương Châu khói sóng ruột đau chín chiều.

Cánh buồm trôi dạt cô liêu,

Trường Giang nước cuốn tiêu điều nhớ thương

«««

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

日 暮 鄉 關 何 處 是,

煙 波 江 上 使 人 愁.

Ôi thôi, câu hỏi của ông Thôi Hiệu sao mà da diết quá, khiến ta nghẹn ngào không biết trả lời sao cho đặng. Vì không còn quê nhà để nương náu, ta gửi gấm tâm sự vào mấy vần lục bát Hoàng Hạc, nghe như có tiếng xạc xào thở than:

Người xưa cưỡi hạc bay đi,

Chơ vơ Hoàng Hạc chốn ni một mình.

Hạc Vàng kiếp sống ba sinh,

Ba chìm bẩy nổi hành trình gió mây.

Hạc Vàng biền biệt chốn đây,

Hán Dương xanh lá sông đầy chiếu soi.

Cỏ thơm Anh Vũ một thời,

Quê nhà chập tối đôi lời hỏi han,

Trên sông buồn bã khói tàn,

Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.


Keine Kommentare: