Mittwoch, 1. September 2010

NGÔI TRƯỜNG ĐI XUỐNG

Hoàng Ngọc Nguyên

Hàng năm cứ vào cuối thu, lá trên đường rụng nhiều… Bây giờ là cuối tháng tám, đầu tháng chín, chúng ta đang bước vào mùa tựu trường, trong lòng của nhiều người mẫn cảm thuộc những thế hệ hậu chiến hay lớn lên trong chiến tranh ở quê nhà còn thấy bàng bạc một nỗi hổi hộp mấy chục năm trước đây như đang nghe bên tai một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi

Mùa tựu trường bao giờ cũng là một thời gian nôn nao, nô nức cho trẻ em, cho cha mẹ, cho cả thầy cô và nhà trường. Ngay cả trong những thời gian khó khăn nhất chúng ta đã biết. Trên đất Mỹ, mùa tựu trường thường mang không khí lễ hội, mọi người chuẩn bị cả mấy tuần trước đó cho ngày cửa trường lại rộng mở và sân trường lại náo nhiệt với đông đúc trẻ nô đùa trong nắng. Trẻ con là như thế, đầu năm học là dịp găp lại bạn cũ, làm quen với bạn mới, hồi hộp trước thầy cô mới, và hạnh phúc lớn lao với cặp mới, sách vở mới, áo quần mới và có thể được thêm những thứ mới khác. Với cha mẹ, còn dịp nào có ý nghĩa hơn cho con cái thấy tình thương bao la, sự lo lắng vô tận, sự hy sinh vô bờ bến của mình đối với hạnh phúc và tương lai của con. Với thầy cô, có dịp nào đặc biệt hơn, trịnh trọng hơn, trong năm để tự khẳng định vai trò cao quí của mình trong xã hội, để nói với mọi ngưòi một cách nắn nót: “Tôi đi dạy”. Và với nhà trường? Nếu cuộc sống con người luôn luôn tưởng như được làm mới với mỗi dịp Tết đến, thì ngày tựu trường chính là năm mới của nhà trường, của hiệu trưởng, của thầy cô…

Tuy nhiên, mùa tựu trường năm nay có thể in sâu trong ký ức của nhiều người, của nhà trường, thầy cô, cha mẹ và các em học sinh như một “năm học khủng khiếp”. Đối với nhiều người, sự nôn nao, nô nức đã phải nhường chỗ cho một tâm trạng não nề xâm chiếm. Làm sao chúng ta chẳng xao xuyến trước những biền chuyển đang diễn ra như một cuộc bể dâu. Khi một số trường có thể phải đóng cửa hay sát nhập vào các trường khác. Một số thầy cô bỗng nhiên năm nay chẳng còn thấy đi lui đi tới trên những hành lang bên ngoài các lớp. Trên một số đường, “yellow school bus” cũng sẽ không còn chạy… Trong xóm, trẻ con đi bộ hay đạp xe đến trường học gần nhà nhiều hơn vì thời thế đang dần dần dạy cho con người tự lập phải tự lập nhiều hơn – ngay cả trẻ thơ đang sống trên “Wonderland” này. Và nhiều trẻ nếu đã sớm biết suy nghĩ chắc có thể đến trường với sự bồn chồn trong dạ khi nghĩ rằng sáng nay ở nhà cha hay mẹ có thể đang chuẩn bị cho một phỏng vấn kiếm việc mới…

Một số thầy cô sẽ không còn nữa. Chẳng phải vì thầy phải đi lính, cô phải xin thôi việc chuyển qua buôn bán hay bỏ mối hàng ngoài chợ vì nghề gõ đầu trẻ không đủ sống. Thực ra ở Mỹ nghề dạy học sống khá thoải mái, hưu bổng không tệ, nhưng cũng như ở nhiều ngành khác, đây là một ngành cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội, đời sống quốc gia, song chẳng có chiến lược, qui hoạch, kế hoạch gì cả. Nó cũng đang rơi vào khủng hoảng giống như ở các ngành khác, sự hoang đường chính trị, phân hóa xã hội, tắc trách và lạm dụng cá nhân đưa đến những mất cân đối nghiêm trọng giữa những gì phải làm là chuyện tối thiểu và cần thiết phải được xem là trọng tâm nhưng lại thường bị loãng đi giữa những gì muốn làm do căn bệnh hoang tưởng về sự vĩ đại và khả năng thực tế là những cưỡng chế không chỉ về ngân sách mà còn ở sức người có hạn (lực bất tòng tâm!). Cho nên người ta đã và sẽ cho một số giáo viên nghỉ bớt – môt số nhưng không nhỏ – vì chính phủ hết tiền, sở giáo dục cạn ngân sách, và nhà trường không còn “chỉ tiêu”. Chuyện gì sẽ xảy ra nữa? Một số lớp sẽ đóng lại, một số chương trình “dấm dớ” sẽ phải ngưng. Chẳng hạn như lớp dạy “bồi dưỡng tiếng Tây Ban Nha” hay huấn luyện vũ thuật hay kiếm thuật…; những lớp dạy những nghề tào lao như nấu ăn hay cắt tóc hay làm móng tay…

Ngân sách bỗng trở thành hai chữ được “lưu truyền” mạnh mẽ nhất trong xã hội, Và ngay trong nhà trường, là nơi người ta trước đây ít khi tìm hiểu tài chánh công là gì. Trước đây, mỗi trường trung học có ít nhất là bốn nhân viên thư viện khuyến khích học sinh đọc sách, nhất là trong tình hình học sinh thời nay chẳng đọc sách, đọc báo gì cả, chỉ mải miết ngồi trước computer, đọc gì, xem gì thì chẳng mấy ai biết, vì khi có người đến thì học sinh thời nay đủ trình độ kỹ thuật để chuyển màn hình qua “cửa sổ” khác. Năm nay, mỗi nơi chỉ có một thầy. Theo chủ trương khéo ăn thì no khéo co thì ấm, nay học sinh lớp mẫu giáo và lớp 1 học chung, học sinh lớp 1 và lớp 2 học chung – làm cho người ta dễ liên tưởng những năm chiến tranh ác liệt ở miền nam Việt Nam, đúng là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của nước Mỹ tiên tiến, hại điện này. Nhiều ông hiệu trưởng đi xa hơn trong tiết kiệm: bớt đèn, bớt máy lạnh trong mùa hè bớt heat trong mùa đông, và thu tiền những người đậu xe chờ con tan trường về… Ở khắp nơi, người ta treo bảng “Ra vô nhớ tắt đèn, tắt quạt”…

Ở nhiều thành phố, nhiều tiểu bang, như chúng ta đã thấy, ngoài chuyện giảm thầy cô, giảm lớp học, còn có chuyện đóng cửa trường, sát nhập trường. Hoặc là vì ở những nơi đó, thầy cô kém quá, học sinh kém quá, dẫn đến chuyện học trò a tòng với thầy cô lạm dụng nhà trường, nhà trường lạm dụng nhà nước, nhà nước lạm dụng người dân. Hoặc là vì trường quá nhỏ, điều hành tốn kém, đươc mở ra trong thời chính quyền quen thói chơi sang, nơi nào có tiệm McDonald hay WalMart được mở ra thì người ta cũng mở ra nhà trường, cho dù tính lại có nơi thiếu cả học sinh.

Và chót hết nhưng cũng không kém quan trọng là “hiện tượng dồn lớp”. Trước kia một lớp chỉ có chừng 20 học sinh, và như thế mà nhiều nhà giáo duc đã kêu ca: “Ở những nước giáo dục thành công, văn minh tiên tiến, người ta chỉ chấp nhận 12-15 học sinh trong một lớp để phát huy vai trò chủ động của người dạy và người học”. Ha ha! Nay thì lớp học được mở rộng ra cho 30-35 học sinh một lớp – nhưng người ta chỉ có thể thở dài thay vì lên tiếng. Vấn đề chẳng phải là “the more the merrier” (càng đông càng dzui) hay “thêm bát thêm đũa”, mà hiệu quả dạy học cũng kém đi, và hiệu quả tiếp thu cũng kém đi.Và có tin một số nhà trường nay phải tính thêm một số phụ phí cho học sinh đối với một số “dịch vụ”, ví dụ như mượn sách vở, sử dụng máy tính, hay đơn giản, ăn uống trong trường…

Một nhà báo đã mô tả tình hình năm nay như sau: Trẻ em sẽ chen chúc đông hơn trong những lớp học ở Modesto, California. Cha mẹ phải trả thêm tiền cho con đi học lớp vườn trẻ trọn ngày ở Queen Creek, Ariz., và xe búyt vàng sẽ ngưng chạy ở một số đường ở St. Louis. Đó là một số thay đổi chẳng ai ham đang chờ đón trẻ em của chúng ta vào đầu năm học… Thời buổi ngân sách khó khăn eo hẹp đã làm cho các học khu nay phải cho thầy giáo nghỉ dạy, mở rộng sĩ số, cắt chương trình và tính tiền cho những dịch vụ trước đây là free”.

Sự thay đổi này còn thêm phức tạp trong thời chưa xác định được chiến lược giáo dục hay chính sách cải tổ giáo dục, ngoài một mục đích đơn giản: “No Child Left Behind”. Để cho “Chẳng đứa trẻ nào bị rơi lại phía sau”, người ta chuyển qua phương pháp “dạy tủ, học tủ” để cho học sinh chú trọng vào những môn “sinh tử” như tập đọc, tập viết, tập làm toán… còn những môn khác bỏ hết, như môn “kinh tế chính trị học Mac-Lênin” hay “Tư tưởng Bác Hồ” chẳng hạn… Do đó học sinh ngày càng “chuyên” hơn, chẳng cần kiến thức tổng quát làm gì (sách vở ích gì cho buổi ấy?)… Nhưng càng chuyên thì càng không biết gì về những thứ không chuyên, mà trong kiến thức làm ngưòi, có nhiều thứ không chuyên cũng rất quan trọng, như lịch sử, địa lý, văn học, âm nhạc… Vả lại muốn cho trò chuyên thì thầy cũng phải chuyên, nhưng như một bài báo trên tờ New York Times “tố cáo”, nhiều thầy cô vẫn còn phân vân trước định lý Pythagore rằng trong tam giác vuông góc, bình phương cạnh huyền bằng tổng số bình phương của hai cạnh góc! Có lẽ nhờ thời suy thoái, người ta nóng nảy, bưc bội hơn, nên cũng dễ nói thẳng cho nhau nghe hơn. Vấn đề giáo dục ở Mỹ chưa chắc là ở chỗ học trò mà ở chỗ thấy cô bởi vì quan niệm dạy cho thầy cô là quan niệm “huấn luyện cho giáo viên” (teacher training) thay vì quan niệm “sư phạm” (pedagogy) “cổ điển” .

Đúng là nạn suy thoái chẳng chừa ai. Ngay cả trẻ em vô tội. Giống như trong thời chiến đánh vào nhà trường là đánh vào trẻ em. Đánh vào những người thất nghiệp, không còn thu nhập lợi tức và phải sống cầm hơi bằng những chi phiếu bảo hiểm thất nghiệp cũng là đánh vào trẻ em. Gói kích thích kinh tế của chính quyền Obama chỉ làm nhẹ một phần tác động, nhưng ở nhiều nơi người ta cũng phải chuyển qua thời “thắt lưng buộc bụng”. Dù cho Quốc Hội đã cho các tiểu bang thêm 10 tỉ để giữ việc làm cho 140.000 thầy cô đứng lớp và những ngưòi phụ việc. Thế nhưng người ta tính ra cũng có đến ít nhất là 135.000 thầy cô sẽ từ giã chuyện đứng lớp và làm bạn với bảng, với phấn…Điều nghe thê thảm là nhiều học khu chưa dám dùng tiền cứu trợ của chính phủ liên bang tức thì, vì họ sợ tình hình của tiêu bang sang năm, hay nhiều năm nữa, sẽ còn tiếp tục căng, cho nên họ để dành…

Cha mẹ chắc chắn còn khổ hơn nhà trường và con cái. Cứ hỏi các “chợ” bán lẻ như Wal Mart hay Target hay Sears thi biết ngay mãi lực của cha mẹ năm nay trong việc mua sắm cho con trong mùa tựu trường. Ngay cả ở những thứ cần dùng, người ta cũng phải dè sẻn hơn, và những thứ không cần, hay dùng lại được từ năm ngoái thì “tri túc tiện túc…”. Phần vì số người thất nghiệp còn cao, số ngưòi không trả được nợ nhà cửa và cứ loay hoay mãi với chuyện cơm áo gạo tiền không phải ít, cho nên người ta không dám hào phóng với con cái như thuở trước. Mặt khác, người ta bắt đấu phải tìm hiểu xem năm nay cái gì phải trả tiền mà năm ngoái không phải để tính ngân sách gia đình. Ví dụ như gửi trẻ. Ở Queen Creek, Arizona, chẳng hạn, cha mẹ phải nộp thêm một tháng $200 nếu muốn nhà trường giữ con đến chiếu. Và ở nhiều nơi, các xe buýt vàng cũng không còn xông xáo đi vào các hang cùng ngõ hẻm để rước học sinh. Chăc chắn đó là một điều nhức đầu cho nhiều cha mẹ.

Hiện nay chúng ta chỉ mới vào đầu mùa tựu trường, cho nên những ghi nhận về những vấn để của nhà trường, của cha mẹ, của học sinh… chỉ mới là cái nhìn phiến diện, hay bề ngoài. Và hiện nay ở Mỹ, nếu vấn đề nào cũng chỉ nhìn bề ngoài, sẽ không kiếm ra dược giải pháp thật sự. Bởi vì vấn đề thật sự của giáo dục ở Mỹ chăc chắn còn sâu xa hơn nhiều những điều chúng ta mới thoáng ghi nhận như hôm nay. Người ta đang nói đến tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học đang xuống, “mười người đi học bảy người thôi” (tỷ lệ 70%) như thế mà trình độ người tốt nghiệp cũng không lên (có học sinh mới ra trường đã quên hằng đẳng thức đáng nhớ (a+b)2 = a2 + b2 + 2ab). Người ta cũng nói đến sự sụt giảm trong tiêu chuẩn ở các đại học Mỹ, như một bài báo của giáo sư kinh tế Philip Babcock dạy ở trường University of California, Santa Barbara, gần đây nêu lên trên tờ Los Angeles Times. Sinh viên đến trường còn rất ham chơi với những thói quen của thời còn là học sinh mà không thấy sự “nặng nề, nghiêm chỉnh” nơi sứ mệnh theo đuổi đại học của mình. Để đáp lại, sinh viên sẽ hỏi trong tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, người ta còn cần chúng tôi không, việc làm ngày càng khó kiếm, đồng lương ngày càng thấp, nhiều nơi tránh chuyện mướn người đã tốt nghiệp đại học, như thế thì “sách vở ích gì cho buổi ấy”. Và những nhà tư tưởng phát triền đang ngẫm nghĩ: dường như ngành giáo dục Mỹ chưa xác định được sứ mệnh giáo dục của mình khiến cho xã hội đang mất dần lương tri và lý lẽ. Con người ngày đang bị tách xa ra khỏi chính bản thân, tập thể, xã hội, đất nước - chỉ mỗi gần gũi cái computer!

Đúng là khi ngôi trường đi xuống, con đường của con người khó đi lên!

Keine Kommentare: