Hoàng Ngọc Nguyên
In this faith I will to live and die (Francois Villon)
Tôi biết Lê Đình Thông gần được nửa thế kỷ, và hiểu anh có lẽ cũng chỉ kém thời gian ấy một tí. Tôi biết anh nhờ cùng học chung dưới một mái trường, và hiểu anh nhờ cùng sống chung dưới một mái nhà – Đại học xá Viện Đại học Dalat. Trong cuộc sống, tôi có nhiều dịp sống chung với những người khác, trong đó có nhiều người trước lạ, sau quen, trở thành bạn bè. Đại học xá là một. Quân trường Thủ Đức là hai. Khu nội trú Hertford College của Đại học Oxford là ba. Và các trại học tập cải tạo ở Trảng Lớn, Xuân Lộc, Thành Ông Năm ở Hóc Môn là bốn (trại Xuân Lộc là nơi tôi tình cờ sống chung với một nhạc sĩ tài năng và có tâm hồn mà cuốn sách này có đề cập đến: Phạm Đức Huyến). Tôi chiêm nghiệm rằng biết một người và hiểu người đó là hai điều khác nhau, và khó có thể hiểu được con người nếu chúng ta không thực sự gần gũi người đó, có dịp từng chia sẻ một mái che trên đầu.
Ai cũng có thể biết Lê Đình Thông là người thầm lặng, dễ mến, ôn hòa. Anh có giọng nói khẩn thiết, dễ nói lên sự xúc cảm và chân thành với con người nơi con người của anh. Cũng có thể đoán thêm anh là người Bắc Kỳ, Công giáo, di cư vào nam trong năm 1954 – một kinh nghiệm hẳn phải hằn sâu trong tâm trí từ người trẻ đến già. Nhưng giường tôi nằm chỉ cách giường của Thông hai bức màn the, chúng tôi chung nhau một cánh cửa sổ nhìn ra bên ngoài là dãy lớp học của giảng đường Thụ Nhân 2. Cho nên tôi có thể hiểu chắc thêm một điều: Thông là người có niềm tin mạnh mẽ vào tôn giáo, và anh thường sống trong những nỗi trăn trở, âu lo trước một thời cuộc mà con người thời đó cảm thấy ít nhiều bất lực. Phòng của chúng tôi có bốn người, luôn luôn yên lặng như tờ là vì chúng tôi biết tôn trọng nhau. Vả lại, thời đó, chẳng có TV, chẳng có máy hát, chẳng có radio transistor… Chỉ có ban đêm, khi ngủ, mới hơi có âm thanh vì tiếng ngáy. Thông ngủ yên lặng, nhưng thỉnh thoảng rên kéo dài, mệt nhọc. Ban ngày anh sống như một người trong nhà dòng. Tôi đoán là thời thế hay tâm sự của anh dồn vào trong giấc ngủ. Chẳng phải chúng tôi đã cùng sống chung trong hai năm nhiễu loạn 1965-66 đó hay sao, cho dù mỗi người có một niềm tin tôn giáo khac nhau!
Thủ tướng nước Anh Benjamin Disraeli (1804-1881) vào cuối thế kỷ thứ 19, một nhà học thuật từng được xem là người xây dựng nền tảng tư tưởng cho đảng Bảo Thủ ngày nay, từng nói: “Duty cannot exist without faith”. Con người chẳng có bổn phận nếu không có niềm tin. Niềm tin có sức mạnh vô bờ bến. Người ta sống và chết với nó, như cảm nhận của nhà thơ François Villon người Pháp vào thế kỷ thứ 15. Ngược lại, con người có niềm tin ắt phải cảm nhận nghĩa vụ mình theo theo đuổi như lý tưởng cuộc đời để thể hiện niềm tin đó, Như thế Lê Đình Thông đã làm gì để sống với niềm tin đó? Tôi có thể mơ màng hiểu được điều nay khi theo dõi một số việc anh làm phục vụ tư tưởng, kiến thức, văn hóa của cộng đồng người Việt Thiên Chúa giáo hiện nay. Công việc đáng trân trọng đó hiện nay rất thiếu sót trong các tôn giáo của chúng ta. Và nay tôi thấy mình như hiểu thêm được Thông qua “Tuyển tập thơ Thánh Gioan Phaolô II” “chuyển âm” này.
Vì hoàn cảnh của đất nước từ mấy thập niên qua, và đặc biệt hoàn cảnh tha hương mất nước của hàng triệu người Việt từ Âu sang Mỹ, cho nên chúng ta đang rất túng thiếu “bữa no bữa đói” trong cuộc sống văn hóa. Mà thiếu thốn trong đời sống văn hóa, thì chúng ta tính bảo tồn cái gì, để lại cái gì đây. Mặt khác, niềm tin của con người mà thiếu sự thúc đẩy của văn hóa, thì làm sao tôn giáo phát huy được ở những thế hệ mai sau – nếu chúng ta chỉ toàn nói những chuyện giáo điều khô khan. Làm sao cho chúng ta hiểu được những cái có thực hay ho, nhân bản, huyền nhiệm nơi tôn giáo qua những con người điển hình, những trường hợp điển hình?
Nhưng tôi cũng phải nói thêm, đọc những vần thơ dịch này, tôi mới thấy rằng trước đây mình chưa thấy hết Lê Đình Thông. Làm sao tôi có thể biết được những cảm hứng nồng nàn, xuất thần và tài diễn dịch thi văn trác tuyệt như thế nếu không có tập thơ này trong tay.
Thuở còn đi học, tôi vẫn phục bà Đoàn Thị Điểm về tài diễn nôm của bà. Vốn chẳng phải là người làm thơ, hay sành thơ, tôi vẫn nhớ nằm lòng một số đoạn trong Chinh Phụ Ngâm Khúc như:
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.
Hay:
Cùng ngoảnh lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh ngát một ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
Có cách diễn tả nào cảnh đưa tiễn và chia ly đẹp hơn thế, xúc động hơn thế, từ thiên nhiên cho đến tâm trạng ngổn ngang của người thiếu phụ đứng nhìn theo chồng đang khuất dần trên con đường mòn nằm chìm giữa bãi dâu. Giống như bài hát Biệt Ly của Dzoãn Mẫn. Bà Đoàn Thị Điểm đã làm mờ đi tác giả Đặng Trần Côn của Chinh Phụ Ngâm Khúc mà bà diễn dịch.
Và đây là bài “diễn nôm” của Lê Đình Thông thơ của Đức Giáo Hoàng John Paul II, giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý kể từ đầu thế kỷ 16 đến nay:
Cuộc đời lắm lúc buồn tênh
Làm sao toàn bích chênh vênh ngược dòng
Qua nhiều thách đố lòng vòng
Mà không hổ thẹn tấm lòng sắt son.
Hay một bài khác
Nguồn giếng nước mải đi đâu biền biệt
Mắt quầng thâm là đáy nước về khuya
Rơi từng tiếng kinh cầu trong đáy huyệt
Tâm hồn nào luôn xao xuyến cách chia.
Tôi đương nhiên không so sánh Thông với bà Đoàn Thị Điểm. Anh cũng không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi đã ngạc nhiên từ trước, khi được đọc từ anh những bài thơ chữ hán “siêu nhiên”, như đọc thơ tiếng La-tinh, cũng như những bài thơ tiếng Việt thất ngôn hay lục bát dễ dàng và gần gũi với tâm tình con người. Trước đây, khi chúng tôi còn học với nhau, thực tình tôi chẳng nghĩ có một Lê Đình Thông thích thú và nghiên cứu kỹ thơ văn đến thế. Tôi lúc đó, thực tình, chỉ nghĩ anh sẽ đi tu, hay đi dạy triết hay dạy giáo lý. Tập thơ này nhắc nhở cho tôi về sự phức tạp vô cùng của thi ca. Chọn chữ, chọn vần, chọn âm điệu. Và làm sao cho bài thơ tuôn ra như dòng suối chảy êm đềm. Tôi nghiệm rằng ngoài cảm hứng trong tâm hồn, Thông còn có ý chí chọn thi ca là phương tiện truyền đạt để tiến hành nghĩa vụ của mình.
Tôi vẫn ngưỡng mộ Đức Giáo Hoàng người Ba Lan John Paul II vì những đóng góp gián tiếp nhưng vô cùng to lớn của Ngài cho cuộc đổi đời của nhân loại nói chung và nước Ba Lan của Ngài nói riêng trong thập niên tám mươi – như tôi ngày nay cũng ngưỡng mộ Đức Giáo Hoàng Francis người Argentina về tấm lòng nhân hậu và nỗ lực không mệt mỏi của Ngài hướng đến quần chúng nghèo khổ khắp nơi trên thê giới vật chất thừa mứa chỉ tầng lớp 1% hiện nay. Đức Giáo Hoàng John Paul từng mạnh dạn nói một điều mà nhiều lãnh đạo tôn giáo vẫn né tránh: “Chúng ta không thể tiếp tục xây dựng di sản cho những thế hệ mai sau bằng cách mải miết trong cuộc chạy đua vũ trang”. Chẳng có Giáo hoàng John Paul II, tôi không nghĩ dân Ba Lan và phong trào Đoàn Kết của Lech Walesa đủ sự kiên trì và niềm tin đấu tranh dai dẳng cho đến khi chế độ Cộng Sản Ba Lan phải sụp đổ, kéo theo cả một hệ thống các nước Cộng Sản Đông Âu – và cuối cùng là Liên Xô vào năm 1991.
Tuy nhiên, chỉ qua tuyển tập thơ này, tôi và người đọc nói chung, theo tôi nghĩ, mới cảm thấy ngài vĩ đại biết bao, nhưng cũng gần gũi với chúng ta biết bao, khi hiểu được cuộc đời gian truân của Ngài, và đọc được những tâm tình của Ngài với cha mẹ, anh chị em, với quê hương, đồng bào, với xã hội, với thế giới này. Con người nhân bản rất đậm nét nơi Ngài, có lẽ vì Ngài đã sống đủ trong hai cuộc thế chiến, đã thấy đủ những tội ác tày trời của con người, và cũng chứng kiến sự thống khổ tan hoang của con người trong thời thế, trong xã hội. Ngài đã sống trong một đất nước mà người ta mãi mong chờ một “ngày thứ tám trong tuần” (như tựa một tác phẩm của nhà văn Ba Lan Marek Hlasko, được dịch từ năm 1970 có thể được tìm đọc trên www.tienve.org) - một sự mong đợi chỉ có thể hiện thực trong tình nhân ái giữa người với người.
Cầm tuyển tập thơ dịch trong tay, trong lòng tôi không khỏi một nỗi bồi hồi xúc động. Gặp lại bạn cũ cùng trường, bạn cùng trại, và vị thầy khả kính và dễ dãi tự con tim (Năm 1971, Giáo sư Vũ Quốc Thúc chủ trì một phiên họp của Hội đồng Kỷ luật của trường Quốc gia Hành chánh. Khi nhìn thấy tôi, thầy cả cười, nói “Lại ông nhà báo Saigon Post đây mà”, và tôi được tha bổng về tội lấy vợ sớm, vì thế hay trốn học bỏ về nhà). Tôi vẫn ân hận chưa hề tiếp tay được cho thầy trong một tác phẩm nào bởi vì tôi luôn tin rằng mình đã hiểu thầy đầy đủ và cũng có đủ “kỹ năng” để chuyên chở những tâm sự của thầy. Và cũng nhờ tuyển tập này tôi nhìn được rất gần một con người phi thường vĩ đại mà trước đây tôi chỉ từ xa ngước lên.
Cho nên, những dòng chữ này không phải là giới thiệu tập thơ - là chuyện ngoài sức của mình - mà chỉ là một bàn tay thân thiết với tới nhau.
Và cũng là một nhắc nhở nếu được phép: Trong thời đại toàn cầu hóa này, nếu người Việt Nam chúng ta còn thấy ngăn cách bởi không gian nên lỡ mất những cơ hội đọc những tác phẩm như thế này, thì trước mặt chúng ta có còn có chung một con đường để đi tới hay chăng?
Vì bạn tôi đang ở quê hương của Anatole France, cho nên tôi đặt tựa bài viết này là “Le Livre De Mon Ami”.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen