Thương kính tặng thầy Nguyễn hữu Khánh
Kính thầy,
Khóa A2 chỉ còn hơn tuần nữa là chấm dứt, như lời đã nói hôm nào, Nga trao thầy quyển vở nầy để thầy ghi lại những gì đáng nhớ của hai khóa học đã qua.
Đời người có những đoạn đường ta đi hoài không hết, và đường học vấn có lẽ là một trong những đoạn dài bất tận đó. Bỏ ghế nhà trường hơn mười năm, Nga cứ tưởng mình mất rồi cái vô tư của tuổi học trò. Thế nhưng run rủi cuộc đời đẩy đưa Nga tiếp tục con đường đã bỏ. Nga hân hạnh gặp ở Pháp văn một cô Thoại Anh hiền lành dễ mến, và ở Anh văn có thầy, một người tận tụy nhiệt tâm. Nga kính trọng thầy trong nghĩa thầy trò và khâm phục những kiến thức nơi thầy mà Nga đã biết. Cô học trò của thầy học dốt nhưng thích nghe và tìm hiểu, Nga mong sẽ được học hỏi thêm những điều hay lạ mà thầy sẽ ghi lại nơi đây.
Một ngày nào đó thôi không còn trở lại ghế học trò, nhìn lại trang vở nầy như nhìn thấy một đoạn đường Nga đã bước.
“ No one knows what will happen “
Giờ thì Nga ngừng đây, và như trong lớp học :”Thank you and goodbye teacher”.
Huỳnh Ngọc Nga
Saigon, 20.03.1982
Gửi chị Ngọc Nga,
Hai khóa học đã qua. Cái đáng nhớ nổi bật có lẽ là sự làm việc hết sức, hết lòng ở cả hai phía, người nói, người nghe. Kỷ niệm cũng còn là đây đó một nụ cười, một câu nói, một dáng vẻ biểu lộ, một quyển sách, một dòng chữ nhắc nhở…….
“Có những con đường ta đi hoài không hết, và đường học vấn có lẽ là một..”. Đi học là đi trên đường làm người và ta làm người trên con đường học vấn. Thường thì cuộc đời chấm dứt mà con đường vẫn vô cùng. Chỉ có cái ý thức về sự vô cùng, cái ý thức ấy có thể giúp ta nhìn ra, để từ đó có an nhiên tự tại……
Và, trên con đường học vấn, học hành ấy, cái hiểu được, nghe được có khi ẩn, khi hiện. Tất cả còn tùy ở một tấm lòng, một tâm hồn. Ta có thể hạnh ngộ với người, với ta. Sự gặp gỡ ấy soi sáng, làm rực rỡ con đường ta đi.
“The only thing that is permanent is change.
And, the kingdom of happiness “is within you“.
Nguyễn Hữu Khánh
28.03.1982
*
* *
Tôi xếp quyển Lưu Bút lại, nhìn tờ lịch trên tường rồi ngó mông lung qua khung cửa. Torino bây giờ đang mùa lá đổ, bên quê nhà ắt hẳn đang vào độ mưa dầm. Hai mươi năm chẵn đã trôi qua, bao lần rồi tôi đã đi tìm kỷ niệm một thời trong quyễn vở bé nhỏ nầy, những kỷ niệm có bạn bè thân thương, có thầy, cô kính mến, tất cả đã được gói trọn bằng những giòng chữ đơn sơ, chân thật. Nếu những bài viết của bạn bè là những vui đùa nghịch ngợm, thì những bài viết của thầy cô là những nhắn nhủ dạy khuyên. Tôi thường dừng lại trên trang giấy có bài viết của thầy để nhớ lại những chiều tan sở, đạp xe đến trường Đại Học Tổng Hợp học thêm những khóa sinh ngữ cần thiết, dành làm hành trang cho một chuyến đi xa mà lòng tôi thực tình không mong mỏi.
Ngay từ khóa Anh văn đầu tiên, tôi đã may mắn được học lớp do thầy hướng dẫn. Thầy là giáo sư Việt văn của trường nữ Trung học Lê văn Duyệt cũ, dạy thêm ngoại ngữ có thể để nâng cao thu nhập gia đình hoặc để choán lấp khoản trống thời gian trong ngày còn lại. Thầy hiền lành, tận tụy với đám học viên đủ mọi hạng tuổi, mọi trình độ. Tôi vẫn thường say sưa theo dõi những bài ngoài chương trình của thầy về sử, địa, tin tức thời sự quốc tế, kiến thức thầy rộng lớn quá đối với đầu óc thiển cận của chúng tôi.
Khóa học thứ hai tôi và các bạn cùng lớp hài lòng khi được học lại với thầy lần nữa. Thời gian đã khiến thầy trò thân nhau hơn, thầy thường đến sớm hơn và hay nán lại năm, mười phút khi tan lớp để chuyện vãn với chúng tôi. Tính hòa đồng cộng thêm sự nhiệt thành tận tâm của thầy đã khiến lớp học của chúng tôi vui nhộn, linh hoạt hơn các lớp khác. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian tôi sửa soạn rời xa quê hương. Ngày mãn khóa, chúng tôi tổ chức liên hoan tưng bừng khác hẳn những khóa học thường, trong tiếng cười nói tươi vui của bè bạn chung quanh, tôi bỗng nghe lòng chùn xuống khi nghĩ đến ngày mai tôi không còn dịp để trở lại chốn nầy. Đây, những người bạn sau cùng của tháng ngày đến lớp. Đó, vị thầy khả kính cuối cùng tôi có được trước lúc ra đi. Tôi đi tìm gì ở xứ người khi thân tình nơi đất mẹ vẫn đậm nồng tha thiết?
Hai mươi lần bốn mùa luân chuyển đổi thay để tôi biết đã hai mươi năm tôi sống đời viễn xứ. Thời gian như con sông trôi dần về phía trước trong lúc tâm tư tôi trôi nhẹ ngược giòng, ngày lễ Nhà Giáo sắp đến, tôi chợt dưng nghe thèm viết một cái gì gởi về quê hương với ước mong thầy và các bạn tôi sẽ đọc đuợc để cùng nhau nhớ lại một thời thân ái.
Tôi bước trên đường đời với nợ áo cơm chưa trọn mà khoảng cách với điểm tận cùng đang bị thâu ngắn bởi thời gian, tôi cũng đã dừng chân tách bước trên con đường học dù chưa tắm gội nhuần nhuyễn bao tinh hoa của biển học mênh mông. Nhưng tôi đã tìm được niềm vui, hạnh phúc ngày hôm nay bằng cách sống an nhiên tự tại giữa cuộc sống với bao thăng trầm biến chuyển như lời thầy nhắn nhủ, và lời cảm tạ nầy xin được gởi đến thầy với tấm lòng kính mến của cô học trò cũ năm xưa, mong thầy nhận để biết rằng giữa đường học và đường đời có một lần nào đó thầy trò ta đã hạnh ngộ cùng nhau.
HUYNH NGOC NGA
Torino, ITALIA, 15.11.02
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen