Dienstag, 15. Januar 2008

VỀ NGUỒN ... THÂN ÁI (phần ba)

CHIỀU THỨ SÁU 28-12-2007 – BUỔI TỌA ĐÀM

Hồi sáng Trưởng Bé có nhờ tôi: “Từ 3 đến 5g chiều nay, trong khi tụi em sinh họat với các em thì chị nói chuyện với phụ huynh về một đề tài giáo dục nào đó, tùy ý chị chọn, nha chị!” Tôi gật đầu nhận lời ngay, khiến Trưởng Bé mừng rỡ ra mặt. Tôi nghĩ đến bộ CDs “Bắc Một Nhịp Cầu – Cùng Yêu Thương và Chung Sống” mà tôi và cô bạn thân Thịnh Nguyễn vừa ra mắt tại Melbourne vào tuần qua. Nếu biết trước có cuộc tọa đàm này, tôi đã có thể đem theo nhiều bộ, đủ để tặng mọi gia đình. Nay tôi chỉ có sẵn một bộ tôi luôn để trong xắc tay mà thôi.

Đúng 3g, phụ huynh lục tục kéo đến Hội Trường. Dù các cửa sổ đều mở, Hội Trường vẫn nóng hầm, nên Trưởng Phạm văn Chương quyết định đem ghế ra ngoài hàng hiên để họp cho thoáng hơn. Chừng sáu mươi ông bố và bà mẹ thuộc mọi lứa tuổi ngồi thành một vòng tròn lớn. Mỗi người tự giới thiệu tên và “nguyên quán tại Úc”. Qua đó mới hay dân Sydney chiếm đại đa số. Sau phần giới thiệu là phần trả lời câu hỏi khai đề do Trưởng Chương đưa ra: “Tại sao quý vị cho con đi Hướng Đạo?” Nhiều cánh tay hăng hái giơ lên. Tôi ghi nhận được những câu trả lời như sau:

- Để con có bạn tốt cùng chơi đùa học hỏi, trong vòng tay dạy dỗ chăm chút của các Trưởng.
- Để con học được các đức tính như lòng vị tha, thương người, biết làm việc thiện.
- Để con biết sống tập thể, tự lập, biết các kỹ năng mưu sinh thóat hiểm rất cần thiết cho cả cuộc đời nó.
- Để con có cơ hội sinh họat với cộng đồng Việt, tìm về nguồn gốc, văn hóa Việt.
- Để con biết sống đời hữu ích, cho cả cộng đồng Việt lẫn cộng đồng chung.
- Để chính mình có dịp kết thêm nhiều bạn tốt.
- Vì tin tưởng Hướng Đạo là con đường tốt và tự nhận thấy bản thân mình chưa đủ làm gương cho con.

Đến đây, vị phụ huynh tên Huy đi thẳng vào chủ đề của cuộc tọa đàm:

- Khi các con còn nhỏ, ta thường chăm chú vào việc uốn nắn cách hành xử của chúng. Khi các con đã lớn, ta mới băn khoăn tự hỏi phải hành xử thế nào để làm gương cho con. Đúng ra, ngay từ khi con còn thơ dại, ta đã phải quan tâm đến việc làm gương cho con rồi!

Mọi người đồng ý. Bỗng một bà mẹ trẻ tên Hà bất ngờ hỏi tôi:

- Từ lâu em rất ái mộ chị. Thật hân hạnh hôm nay được gặp và trò chuyện trực tiếp với chị ở đây! Chị có thể chia sẻ bí quyết thành công của chị với bà con được không ạ?

Nhiều người reo lên tán đồng, nhìn tôi chờ đợi. Hương Chiều mau mắn trả lời một hơi dùm tôi. Tôi cảm ơn thiện ý của Hà và Hương Chiều rồi đáp:

- Câu Hà hỏi khá bao quát, vì chúng ta quan niệm khác nhau về chữ thành công, nên khó trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ buổi tọa đàm này, tôi xin phép chỉ đề cập đến quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Theo tôi, nếu cha mẹ sống một cuộc đời giản dị, chân thật, tận tụy, đầy yêu thương và vị tha, ... thì thường thường con cái sẽ tin tưởng, hãnh diện về gia đình mình và khó làm bậy, hư hỏng.

Về vấn nạn trẻ bị ăn hiếp ở trường, cô giáo Thu Minh góp ý:

- Phụ huynh nên đưa con đến sinh họat với các nhóm trẻ cùng lứa tuổi, để con tự tin và dạn dĩ hơn. Cũng tập đóng kịch với con, dựng nên các tình huống có thể xảy ra, luyện cho con cách phản ứng, đối phó thích hợp nhất. Chẳng hạn, khi bị đứa lớn hơn ăn hiếp thì đừng co rúm lại chịu trận hay chạy trốn, mà hãy nhìn thẳng vào mắt nó, nghiêm giọng bảo nó : “Ngưng lại đi! Tôi không thích cách hành xử đó của bạn!” Ngoài ra, cha mẹ cần gần gũi con để con tin tưởng và thổ lộ mọi vui buồn. Khi con mách và kể tội ai, cha mẹ khoan bênh con, mà giúp con tìm hiểu cặn kẽ mọi nguyên ủy và dạy con cách suy xét cho công bình.

Về vấn đề làm sao tạo được sự gần gũi, tin tưởng của con thì vị phụ huynh tên Tiến góp ý:

- Nên coi bữa cơm tối là dịp cả nhà họp mặt, trò chuyện hỏi han nhau vui vẻ.

Một bà mẹ tên Nhường nhấn mạnh:

- Và tuyệt đối đừng biến bữa cơm thành dịp tranh cãi, giảng dạy, trách mắng nhau, đến nỗi không khí căng thẳng ngột ngạt.

Nhưng một vài phụ huynh thắc mắc:

- Nếu phải làm ca khác nhau thì làm sao cùng ngồi ăn chung?

Trưởng Đặng Trung Chính đặt câu hỏi khiến mọi người suy nghĩ:

- Cứu cánh cuộc sống của chúng ta là gì? Có phải là một hạnh phúc đích thực? Muốn đạt được hạnh phúc ấy, ta phải làm sao? Có phải trước hết ta phải biết suy nghĩ và hành động đúng, biết luôn tự xét lại mình, không dạy con theo một chiều mà bằng gương tốt của chính mình?

Cứ thế, hai tiếng đồng hồ quy định đã mau chóng trôi qua, song các phụ huynh vẫn say sưa thảo luận, không chịu ngưng, nhất là sau khi một bà mẹ cay đắng thổ lộ:

- Nếu trên thực tế mình xui xẻo gặp ông chồng ích kỷ, ham bài bạc rượu chè đàn đúm, không bao giờ chịu sinh họat hay đi đâu cùng vợ con, thì mình có nên tìm cách giáo dục ổng không?

Có lẽ chữ “giáo dục” hơi nặng. Các ông bố ồ lên. Các bà mẹ nhao nhao mỗi người một ý. Viễn Trình dung hòa:

- Con người sinh ra với phần “bản chất” khó thay đổi và phần “phi bản chất” có thể thay đổi. Hay dở, không nhất thiết chỉ do ảnh hưởng môi trường chung quanh. Bằng cớ là, có nhiều du học sinh sống xa cha mẹ mà vẫn học giỏi, ngoan ngoãn ; trong khi đó, nhiều đứa trẻ sống bên cha mẹ mà vẫn hư hỏng. Nói khác đi, tôi nghĩ tánh thì còn mong sửa, chứ tật thì quả là khó bỏ.

Tôi đề nghị:

- Ông bố nào cũng thương con. Hay là nhờ con dùng tình cảm mà dần dà lay chuyển ba nó?

Viễn Trình cũng chia sẻ một kinh nghiệm quý báu, đó là phải biết tâm lý hiện nay của lớp trẻ và phải khéo léo tế nhị như thế nào khi nói chuyện với con cháu về một vấn đề quan trọng, chẳng hạn như vấn đề hôn nhân dị chủng hiện đang làm phụ huynh Việt vô cùng lo lắng và đau khổ. Còn tôi giới thiệu với mọi người về bộ 4 CDs Bắc Một Nhịp Cầu. Ai cũng tỏ ra háo hức muốn có một bộ. Nên tôi giao bộ duy nhất đang có trong tay cho Trưởng Chính (Liên Đoàn Văn Lang – NSW), nhờ anh làm bản sao và gửi tặng các phụ huynh trên Sydney dùm tôi. Anh không những sốt sắng nhận lời mà còn hứa sẽ tìm cách phổ biến nó rộng rãi hơn nữa.

Các cuộc hội thảo như buổi tọa đàm chiều nay chỉ nhằm mục đích giúp phụ huynh có dịp chia sẻ, lắng nghe ý kiến khác nhau về những vấn đề chung, rồi mỗi người phải tự thâu thái rút tỉa lấy một câu trả lời thích đáng nhất cho trường hợp riêng của mình.


Ưu điểm của bộ CDs Bắc Một Nhịp Cầu là có thêm phần phát biểu của những đứa con, cũng về những vấn đề ấy. Hơn nữa, tôi đã bỏ công dịch ý kiến của phụ huynh sang tiếng Anh và ý kiến của những đứa con sang tiếng Việt. Các phụ huynh tham gia trong dự án, khi nghe thấu được tiếng lòng của con cái lần đầu tiên, đã bật khóc nức nở. Các con họ cũng xúc động không kém, khi lần đầu tiên thấu hiểu tấm lòng cha mẹ.

AiCơ Hoàng Thịnh

(còn tiếp)

Keine Kommentare: