Samstag, 14. Juni 2008

*** Bên Ấm Trà - CHAUSA ***

Bên Ấm Trà

Lá trà và công dụng của trà đã được ông Thần Nông phát hiện trên 6000 năm trước đây tại Trung Hoa.
Thuật trồng trà, sấy trà, ướp trà và uống trà được phát triển thành một nghệ thuật nhờ công ông Lục Vũ sống vào thời nhà Đường (thế kỷ thứ 8). Trà trứ danh Long Tỉnh tại vùng Hàng Châu, tỉnh Triết Giang thuộc gia đình họ Lục này. Ở những vùng núi cao, người ta nuôi và huấn luyện đàn khỉ leo lên núi hái đọt trà non vào sáng sớm. Trà này gọi là “hầu trà”. Người Nhật đã nâng nghệ thuật uống trà lên hàng lễ nghi tôn giáo, gọi là Trà đạo (Chado). Ông Tổ Trà đạo là Nisuzu Huiniken đã thọ giáo với môn đệ đời thứ năm của Lục Vũ.

Thuật uống trà được nhập vào văn hóa của xứ Anh rất sớm (thế kỷ thứ 17). Bên xứ này người ta uống trà trong bữa ăn, trong buổi họp, ngay cả có giờ uống trà giữa hai bữa ăn chánh, gọi là “tea time”. Những lúc đọc một quyển sách hay, hay lúc tìm hứng làm thơ, viết văn là những lúc uống trà rất ngon. Hớp từng ngụm nhỏ, lúc nước trà hãy còn nóng, ta thấy một vị chan chát trong miệng, sau khi nuốt thì nghe hậu vị ngòn ngọt trong cổ họng. Bây giờ, xin hãy: “Cảo thơm lần giở trước đèn…” Trong một đêm trăng sáng lành lạnh, ngồi uống trà suy gẫm chuyện đời cũng thật thú vị. Nếu có bạn tương đắc cùng uống thì càng tốt, nhưng trong khi thưởng thức trà, tránh nói nhiều, tránh nói lời bất nhã, tránh bàn chuyện thị phi của thiên hạ. Lúc này, chỉ cần nói vài lời để gợi ý cho sự suy tư mà thôi.

Người Anh thích uống trà trong buổi họp để được tỉnh táo khi bàn thảo. Dầu được tiếng “phớt tỉnh Ăng-lê”, nhưng trong khi họp hành bàn bạc, có nhiều người cũng đổ quạu, lớn tiếng cãi vã. Có những người bảo vệ ý kiến riêng của mình, có thể tới mức đập bàn, gấu ó nhau, bôi nhọ lẫn nhau nữa. Về sau mới thấy mình thật là vô lý đến tức cười vì chuyện đâu còn đó. Có chuyện lúc cãi nhau, mình thấy nó quá quan trọng, sau một thời gian mới thấy quá nhỏ nhoi và rồi nó chìm vào… quên lãng. Người Anh gọi cảnh lao xao không đáng, đem “chuyện bé xé ra to” này là “Cơn bão tố trong tách trà!” (The storm in a teacup).

Dần dần về sau, câu nói này biến dạng thành “Bão tố trong bình trà” (The tempest in the teapot). Châm ngôn này nói lên một sự nghịch lý khôi hài vì trà tượng trưng cho sự trầm mặc suy tư. Vì vậy, uống trà phải có thái độ dung dị, tao nhã, lời nói phải thận trọng, từ tốn, tránh nóng nảy, tức bực hay hằn học. Trong cuộc họp, trà nhắc cho chúng ta tôn trọng ý kiến người khác. Có chống đối, có đưa ra phản đề là để tìm cho ra chân lý, chứ không nên đặt tự ái mình cao quá lẽ. Không nên gây sóng gió bên ấm trà! Thỉnh thoảng, chúng ta nghe câu dặn dò chí lý:

“Enjoy your tea and take it easy” (hãy thưởng thức trà và .. tà tà).

Khi dùng trà, người ta dùng tre hoặc gỗ, tránh dùng vật kim khí chạm vào trà, vì kim khắc mộc. Người Trung Hoa thích uống nhâm nhi từng ngụm nhỏ, người Nhật thích uống ngụm lớn để vị trà thấm đầy đủ vào niêm mạc của miệng lưỡi.

Người Trung Hoa pha trà với nước sôi già, người Nhật pha với nước nóng ở nhiệt độ khác nhau. Với trà ngon, lần pha đầu, họ dùng nước ở nhiệt độ 60°C, lần pha thứ hai: 80°; lần thứ ba 90°. Nên thử cả hai cách, coi cách nào hợp với mình để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của trà. Người với tuổi đời chồng chất, với một bề dày lịch sử phía sau lưng thường thích độc ẩm, nghĩa là uống một mình để suy nghĩ. Suy tư về đời người quá ngắn ngủi và thời gian chóng qua:
Thời gian: nước chảy nhanh,
Như giấc ngủ qua canh.
Đời người như hoa cỏ,
sáng tươi, chiều héo tàn.
(Thi-Thiên 90:5-6)

Đời người chỉ bảy mươi,
Khỏe mạnh được thêm mười.
Kiêu căng thêm khổ lụy,
Tháng ngày chóng vánh trôi.
(Thi-Thiên 90:10)

Vừa nhâm nhi vừa nghĩ đến sự nhỏ nhoi, cô độc của thân phận con người trong cõi vô cùng mà ngâm lên mấy vần thơ bất hủ của Trần Tử Ngang 陳子昂 (661-702), một thi nhân đời Đường. Ông cảm tác bài này khi đứng trên đài U Châu:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.(*)

Tạm dịch:
Nhìn trước chẳng bóng người
Nhìn sau cũng vắng tanh
Gẫm đất trời dằng dặc
Bồi hồi, lệ đoanh tròng.
Con người chỉ là một sinh vật cực kỳ yếu đuối, cực kỳ bé nhỏ trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Dầu vậy, chúng ta được diễm phúc sinh ra làm người, được diễm phúc sống vào thiên niên kỷ này, được diễm phúc có thể thưởng thức chung trà trong phút giây hiện tại. Xin hãy cùng tôi nâng tách trà thơm…

Châu Sa

(*) Ghi chú thêm về Trần Tử Ngang

Keine Kommentare: