Samstag, 21. Februar 2009

Nhớ về người thầy kính yêu - Giáo Sư PHÓ BÁ LONG


Nguyễn Đức Trọng

Từ năm 2002 tôi dọn về ở Virginia và có dịp gần gũi, nói chuyện với giáo sư Phó Bá Long nhiều hơn so với những năm trước đó 1975-2001. Từ năm 2002 trở lại đây, tôi gặp giáo sư mỗi năm ít ra cũng vài lần như vào dịp họp mặt chung vui Tết, Noel, picnic ngòai trời, hay những lần tiếp đón quý vị giáo sư từ nơi xa đến. Hai lần sau cùng có dịp hầu chuyện cùng giáo sư là vào dịp Lễ Thanksgiving 2008 và buổi họp mặt Tất Niên, tiễn Chú Chuột đón Bác Trâu vừa qua. Tôi thấy sắc mặt của giáo sư xấu quá và có nói với cô hàng xóm T-Đan " ... hy vọng Thầy không bị cú chi nặng, vì sức khỏe Thầy không chịu nổi". Hôm thứ ba 17-2-2009, lúc nghe T-Dan cho biết là vừa được tin giáo sư bị vỡ mạch máu não, tôi hơi giật mình nhưng cũng biết là giờ phút ra đi của giáo sư cũng sắp đến rồi. Tối về, tôi cũng chỉ biết ngồi cầu nguyện Bề Trên ân độ cho giáo sư được tai qua nạn khỏi nếu tuổi thọ còn, cũng như cầu xin Bề Trên quang chiếu trên đường trở về với Đấng Cha Lành nếu giáo sư đã xong nhiệm vụ nơi trần thế.

Đến sáng ngày Thứ Tư 18-2-2009, được tin giáo sư đã ra đi khuya ngày Thứ Ba, tôi thật sự mừng cho ông vì như tôi thường nói cùng quý anh chị là " ... phải có phước lắm mới được ra đi nhanh chóng và nhẹ nhàng". Từ khi bắt đâu nghiên cứu về Đạo học và dưỡng sinh, tôi đã gặp qua không biết bao nhiêu là trường hợp bạn bè và người thân bị "stroke", "heart attack", ung thư trước khi lìa đời. Nhưng rất ít ai được ra đi nhanh và nhẹ nhàng như trường hợp của giáo sư. Do đó tôi hy vọng là cô Phó Bá Long và mọi người trong gia đình không quá đau buồn về sự ra đi của Thầy, mà cần giữ gìn sức khỏe để lo hậu sự cho Thầy.
Đã lâu tôi dự tính viết cảm nghĩ của mình về giáo sư Phó Bá Long nhưng chưa có dịp, nay tôi xin viết đôi hàng về giáo sư cùng những điều tôi học hỏi qua hành trình, cũng như cách cư xử của giáo sư trong cuộc đời.

1. Nhã Nhặn, Lịch Sự và Khiêm Nhường
Qua nhiều lần tiếp xúc với giáo sư, tôi phải công nhận là cách cư xử của giáo sư rất là lịch sự, ân cần với mọi người chung quanh. Tôi chưa bao giờ thấy nơi ông một sự trịch thượng. Cách ứng xử của giáo sư làm cho người nghe cảm thấy hưng phấn về khả năng của họ, gây cho người nghe sự tự tin là họ có thể làm được bằng chính quyết tâm và cố gắng của họ. Nói ở đây không phải để nịnh hay bôm ai, nhưng riêng tôi có lẽ suốt đời không đạt đến trình độ này mặc dù đã được học tất cả những kỹ thuật về "motivation".
Đã mấy chục năm, tôi chưa bao giờ nghe hoặc nghe ai nói là giáo sư có một lời nói hay cử chỉ bất nhã nào đối với ai cho dù không đồng ý kiến. Câu "người quân tử hòa nhi bất đồng", mà chúng ta hay diễn nôm "bất đồng nhưng không bất hòa", nghe thời dễ nhưng thực hành không dễ chút nào. Một phần vì tự ái con người lớn quá, chỉ biết cho mình là đúng. Khi nghiên cứu về Thiền, Đạo học, tôi nhận thấy sự hiểu biết qua sách vở không chưa đủ mà còn phải qua thực hành về cả hai phương diện thể xác và tâm linh. Người đạt được trình độ này thật ra cũng dễ kiểm chứng, vì khi đến gần họ chúng ta sẽ cảm thấy được sự hòa ái từ người họ tỏa ra qua lời nói hành động, đem đến cho chúng ta sự bình an. Cho nên tôi cũng không lấy làm lạ khi thấy có nhiều người thương mến giáo sư, mặc dù chỉ mới gặp lần đầu.

2. Đạo Đức và Nhân Nghĩa
Đôi lúc nhìn quanh tôi lấy làm lạ sao lại có nhiều người mang tiếng tu hành, lên cả báo chí truyền thanh, truyền hình kêu gọi mọi người mở rộng vòng tay, thương yêu giúp đỡ người khác. Nhưng cuối cùng thật ra là chỉ cho chính bản thân họ mà thôi. Thật là tội nghiệp! Giáo sư Phó Bá Long cho dù không phải là người tu hành, nhưng tôi để ý trong bất kỳ buổi nói chuyện nào, buổi họp mặt nào, giáo sư cũng đều kêu gọi mọi người cố gắng học hỏi, mong cầu đạo đức nhân nghĩa ngay trong bản thân. Sinh hoạt của giáo sư mấy chục năm qua cho thấy là lời nói và sự thực hành của ông đi đôi với nhau.
Khi nghiên cứu về Đạo học, tôi nhận thấy rằng người nào chịu lui một bước để tu tỉnh, mọi sự mong cầu đều đạt được vì tất cả phước điền đều trong gang tấc. Hễ tâm hướng nội mong cầu chi đều cảm thông nấy. Còn những ai thay vì lo cầu mong phú quí công danh bằng con đường đạo đức nhân nghĩa, chỉ lo tìm cách cầu xin bên ngoài bằng mọi thủ đoạn gian ác, rốt cuộc là bị thiệt thòi cả hai mặt, là công danh phú quí không thành mà đạo đức nhân nghĩa cũng hỏng. Lời chỉ dẫn của giáo sư Phó Bá Long trong vấn đề này thực xác đáng. Không biết các bạn nghĩ sao, chứ riêng tôi đã nghiệm thấy không biết bao nhiêu trường hợp.

3. Phục Vụ và Chia Sẻ
Thay vì như nhiều người khác dùng thời giờ đi du ngoạn, đọc sách, vui chuyện quanh nhà, giáo sư Phó Bá Long lại còn đi xa hơn một bước nữa là vẫn tiếp tục con đường phục vụ của mình bằng cách chia sẻ những học hỏi, hiểu biết, kinh nghiệm về điều hành, về quản trị, về phát triển trong kinh doanh cho học trò của mình, cũng như cho mọi người chung quanh mặc dù đã về hưu từ lâu. Có nơi nào cần và mời là ông sẵn sàng đến trình bày và hội luận. Sự đóng góp cho xã hội, cho đất nước Việt Nam chắc chắn là không nhỏ. Sự phục vụ của giáo sư kéo dài cho đến lúc cuối đời khi ông cố gắng làm sống lại chương trình đào kênh xuyên ngang qua Thái Lan - vừa rút ngắn con đường hải hành, vừa tránh chuyện bị cướp bóc, vừa gia tăng việc giao thương trong toàn vùng Đông Nam Á.
Thủy triều có lúc lên lúc xuống, trời hết ngày rồi đêm, đời sống con người có lúc hưng vượng thì cũng có lúc gian nan. Sự tương trợ lẫn nhau giữa bạn bè trong cùng một nhóm, một lớp, một trường, và sau đó lan dần ra ngoài xã hội là một điều nên làm. Nên chúng ta không lấy làm lạ khi các vị giáo sư trong đó có giáo sư Phó Bá Long đều tích cực tham gia và hỗ trợ cho việc điều hành và phát triển công việc trợ giúp lẫn nhau này. Quý vị giáo sư mặc dù đã về hưu, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng đóng góp phần nào trong số tiền hưu bổng nhỏ bé nhận được. Nhiều lúc nhìn thấy cuộc sống thanh bạch của mấy Thầy Cô tôi cũng đâm ra ái ngại khi phải nhận đóng góp của Thầy Cô trong các sinh hoạt, lạc quyên gây quỹ, v.v. Mà không nhận thì lại bị la, khổ thì thôi!

4. Như Cánh Chim Bằng
Trời Đất khi mưa, khi nắng đều ban rải cho khắp mọi nơi chứ không giới hạn ở một không gian, hay một nhóm nào hạn hẹp. Trời Đất gây tai ương, con người có thể tránh được tổn hại, nhưng chính mình gây tai ương thì không tránh được. Đó là những gì tôi học hỏi được trong cuộc sống. Thiện Ác trong cuộc đời như chiếc xe hai bánh, nếu chúng ta chọn một bên thì cũng như chọn đạp xe một bánh thay vì hai bánh. Chúng ta thường hay có quan niệm chỉ muốn nắm giữ cái tốt cái hay cái đẹp và cùng lúc muốn vất bỏ cái xấu, thay vì cứu vớt nó đi lên. Giống như trong một gia đình có 4 người con, 3 đứa thì chịu nghe lời, dễ dạy, chịu khó học hành thì thường là được thương yêu nhiều hơn là đứa còn lại nếu cứng đầu, không chịu khó học hành, làm biếng, v.v. Chúng ta thường có khuynh hướng yêu thương và chăm sóc 3 đứa dễ dạy và dễ bảo kia, và gần như là chán ghét, bỏ bê đứa còn lại. Đây không phải là điều xấu hay điều dở mà là sự tiến bộ trong vấn đề tâm thức của cá nhân. Do sự tiến bộ về tâm thức này mà đưa đến lời nói, hành động, cư xử của một cá nhân. Ai cũng đúng hết, chẳng có ai sai! Mỗi người đều đúng, tâm thức tiến bộ đến đâu thì cách ứng xử tiến đến đó.
Giáo sư Phó Bá Long đã vượt qua những ganh ghét và tị hiềm thường tình khi vui vẻ và sốt sắng chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm của ông cho đám học trò, người ngoài, trong cũng như ngoài nước, không phân biệt lý tưởng chính trị. Ngày trước, khi chưa hiểu biết tôi đã bất mãn với việc làm của giáo sư. Nhưng khi thấu hiểu và có dịp chia sẻ qua các bài viết về Thiền, tôi có nói là sự hiểu biết mà chúng ta nhận được giống như con dao vậy, người ta dạy mình dùng làm bếp nấu nướng lo cho sức khỏe người trong gia đình, hay phục vụ cho thực khách, đằng này mình đem dao đi ăn cướp cắt cổ người khác thì mình phải tự mình chịu trách nhiệm trước pháp luật, cũng như nhận lãnh sự quả báo trong Trời Đất do mình gây ra.

Định luật "Sinh, Lão, Bệnh, Tử" không chừa một ai. Vấn đề là khi rời bỏ trần thế mình có thanh thản nhẹ nhàng mà ra đi, và người chung quanh có thương nhớ mình hay không. Thân xác giáo sư Phó Bá Long nay mai sẽ trở về với cát bụi, nhưng hình ảnh của giáo sư sẽ sống mãi với học trò của ông. Và trên phương trời cao rộng kia, giáo sư Phó Bá Long chắc chắn sẽ mỉm cười khi thấy hoài bão của ông vẫn được tiếp tục, gìn giữ, vun xới bởi đám học trò và con cháu học trò của ông trong tương lai.

Nguyễn Đức Trọng, K8-CTKD
VA ngày 20-2-2009

Keine Kommentare: