Montag, 18. Mai 2009

BIẾN NHÀ TRƯỜNG TRỞ THÀNH THỊ TRƯỜNG

THẾ SỰ THĂNG TRẦM

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image001

Nền giáo dục của Việt Nam đã bị khủng hoảng ít nhất là từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế đã chuyển qua chế độ“thị trường có định huớng xã hội chủ nghĩa” nhưng giáo dục lại chẳng có bất cứ định hướng nào. Những người lãnh đạo tại Hà Nội không bao giờ nói lên điều này mà luôn luôn nhấn mạnh trình độ ý thức và quan tâm của mình bằng cách dùng chữ “gối đầu giường” là “quốc sách”. Ngay quan Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak tại Việt Nam cũng nhận định rằng “VIệt Nam đang đối diện với khủng hoảng trong hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp gây tổn thương cho mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập thế giới” và xem đó là một cơ hội bằng vàng cho Mỹ “làm bàn” ở Việt Nam. Việt kiều yêu nước như Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng lên tiếng báo động về “một tính toán và đề xuất về chi phí giáo dục khá kinh hoàng của Bộ Giáo dục”. Một số Việt kiếu yêu nước khác vì không đủ băng cấp để lên tiếng thì lợi dụng cái thị trường mở rộng này mà nhảy vào mở trường bậy bạ cùng với một số người trong nước hợp tác làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Và cũng còn một số ít những người trong nước cũng đã lên tiếng, như giáo sư Hoàng Tụy, ông viết “Dù bảo thủ đến đâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như bất cứ ai đều không thể làm ngơ trước nhiều vấn nạn giáo dục đã và đang làm đau đầu cả xã hội. Chỉ có nhìn thẳng, gọi tên đúng sự vật và chấp nhận thay đổi, coi cải cách là mệnh lệnh của cuộc sống mới có thể khắc phục tình trạng nguy kịch của ngành giáo dục Việt Nam”.

Giáo dục là một loại “cách mạng thường trực” của những người lãnh đạo. Nói chung thế giới tiến bộ không ngừng trên nhiều lĩnh vực khoa học. Một nền giáo dục quốc gia tiến bộ là một nền giáo dục có những cơ chế sẵn sàng để gạn lọc, du nhập, tiếp thu được những tiến bộ của loài người. Một nền giáo dục tiến bộ cũng phải đi trước nhu cầu phát triển của đất nước, lồng trong một chiến lược phát triển quốc gia trường kỳ, để cho không bao giờ có thể có tình trạng thiếu kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, cán sự, công nhân kỹ thuật… mà xã hội đòi hỏi. Và giáo dục cũng phải nghĩ đến nhu cầu được học của đại chúng, nhu cầu nâng cao trình độ văn hoá của toàn xã hội, để có thể thỏa đáng trả lời những câu hỏi mục đích của giáo dục (trong đó một mục đích không nhỏ là dạy cho người ta sống có quan tâm đến văn hóa dân tộc, cái gì cần phát huy, cái gì cần hội nhập, cái gì cần bỏ ra một bên), nội dung của giáo dục (dạy gì từ những mục đích đã được xác định) và ai dạy (tức là vấn dề đào tạo những người đứng trên bục giảng). Từ những câu hỏi đó mà người ta đặt tiếp theo những câu hỏi về tính khả thi và hiệu quả: khả thi là “đầu vào”, tức những chi phí đầu tư hay ngân sách giáo dục thỏa đáng phải có, đất nước phải sẵn sàng hy sinh; hiệu quả là “đầu ra”, đào tạo con người không phải để ngồi đó mà chơi, hay rốt cuộc chỉ làm ra được những con người vô dụng chỉ có chỗ trong bộ máy nhà nước. Thế giới toàn cầu ngày nay đang biến đổi không ngừng; trong một nước cho dù ý thức về dân chủ chỉ mới manh nha, nhưng con người đã bắt đâu biết sống có mong đợi, có kỳ vọng những giá trị cao hơn, tốt đẹp hơn cho bản thân hay cho những thế hệ về sau của mình. Bởi thế mà những người lãnh đạo giáo dục cần phải có ý thức “cuộc cách mạng thường trực” đặt ra cho chính sách giáo dục.

Chẳng có gì là lạ nếu hiện nay Việt Nam phải xem giáo dục là một “quốc sách”. Nó là một quốc sách bởi vì giáo dục là chuyện trăm năm trồng người, đất nước trong tương lai 20-30 năm nữa có thể ngẩng mặt cùng thiên hạ như một nước có đến 5-7 đại diện trong số 100 nhân vật xuất chúng nhất thế giới, hay vẫn là một nước “ra ngõ gặp anh hùng”, nhưng có một tầng lớp trí thức “ích kỷ”, chẳng có đóng góp gì cho chính xã hội của mình, đất nước của mình, đừng nói gì cho nhân loại. Nó là một quốc sách vì người ta đều biết rằng 23 năm sau “phát súng lệnh đổi mới”, giáo dục vẫn chưa được đứng trong “hàng ngũ xung kích tiền phong” mà ngày càng tụt hậu so với những kỹ nghệ du lịch, xây dựng, giải trí, làm hàng xuất cảng, ngân hàng và chứng khoán, buôn bán, và nhất là tham nhũng… Họa chăng là có thể so sánh được với ngành báo chí, là một ngành cũng có hiện tượng bên ngoài phát triển hào nhoáng, ồ ạt như giáo dục, nhưng vẫn tụt hậu và rỗng ruột đến mức một người Việt Nam từng du học ở Mỹ và tình cờ biết đến chính sách “chẳng có một đứa trẻ nào bị rớt lại đàng sau” của Tổng thống Bush mới có lời bình phẩm rằng chính sách giáo dục của Việt Nam “tất cả đều lùi lại đàng sau” đã được thực hiện khá thành công, chỉ có một số nhỏ, rất nhỏ được đưa đi học nước ngoài nhờ phúc ấm ba đời, nhưng vẫn không tạo được mấy chênh lệch với người học trong nước – ngoại trừ ăn mặc bề ngoài.

Cái lạ đáng nói là ở chỗ khảo hướng của những người lãnh đạo đất nước nói chung và lãnh đạo giáo dục nói riêng đối với vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục hiện nay. Ý thức đổi mới ngành giáo dục xem ra rất đơn giản. Thứ nhất, nay giai đoạn “chống Mỹ cứu nước” đã qua, giai đoạn “trăm sự nhờ Mỹ” đang đến. Mỹ nay đang trở thành nước đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Giáo dục cũng đang đi theo hướng đó, hướng “hội nhập” với thị trường đầu tư của nước ngoài ở trong nước. Cho nên lãnh đạo Việt Nam từ thủ tướng đến bộ trưởng giáo dục đều nói với đại sứ Mỹ “trăm sự nhờ đồng chí”. Nhờ Mỹ mở trường đại học Mỹ ngay ở Hà Nội, được điều hành từ đầu tới cuối bởi người Mỹ, Việt Nam hứa không can dự - dù chưa chắc đã giữ lời. Việt Nam còn nhờ Mỹ đào tạo đến 2.500 tiến sĩ có bằng Mỹ, vì Việt Nam mặc dù hiện có tỷ lệ tiến sĩ và phó tiến sĩ cao nhất thế giới (ra ngõ gặp phó tiến sĩ), nhưng “bụt nhà không thiêng”. Thứ hai, cứ rập khuôn theo giáo dục của Mỹ bởi những người không được đào tạo trong hệ thống giáo dục kiểu đó, ví dụ như ở Mỹ người ta học “case study” thì Việt Nam cũng bê y nguyên “trường hợp nghiên cứu điển hình” - mặc dù chưa có trường hợp nào để nghiên cứu thực sự.

Mọi việc đã có Mỹ lo như thế, thì trach nhiệm của lãnh đạo Việt Nam còn là gì nữa với giáo dục ngoài việc tiến hành chủ truơng “biến nhà trường thành thị trường”. Những năm cuối của thập niên 80, Việt Nam đã “biến chiến trường trở thành thị trường”, nay “biến nhà trường thành thị trường” cũng là “xu hướng tất yếu của thời đại”. Cho nên cải cách giáo dục mà mấy năm qua chúng ta nghe lãnh đạo Vioệt Nam đề xuất chỉ là chuyện “tăng học phí” và “cổ phần hóa “ nhà trường là chuyện đương nhiên. Nguy hiểm của một lãnh đạo cứ bị ám ảnh một cách đơn giản về đổi mới kinh tế và xã hội là “thị trường hóa” và “cổ phần hóa” là ở chổ đó. Cho dù “mệnh lệnh của thời đại” là kinh tế thị trường, mà từ hơn hai thập niên qua Việt Nam đã hối hả đi vào, làm bay cả mũ tai bèo và đứt cả quai dép râu, người ta đều hiểu có những “phạm trù’ mà kinh tế thị trường không được can dự. Nếu cho người ta can dự vì chế độ quá xem trọng quyền tự do kinh doanh của tư nhân, quyền tự chủ của nhà kinh doanh, hay không cưỡng được những cái bã để mở đường cho những nhà “đầu tư giáo dục” cho dù những người này chưa hề ngồi một ngày trên ghế nhà trường ở Mỹ, không nói đến có kinh nghiệm hay không trong việc giáo dục, hay vì tính dân chủ “gấp nghìn lần” của chủ nghĩa xã hội với định hướng kinh tế thị trường hiện nay, thì tư nhân cũng chỉ có thể can dự một phần nhỏ có tính bổ sung, có tính chọn lọc, trong khi đó phần “chủ đạo” phải là vai trò, trách nhiệm không thê thoái thác của nhà nước. Trong toàn bộ nền kinh tế, người ta còn nhấn mạnh “vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh”, huống gì sự nghiệp giáo dục còn cao cả hơn sự nghiệp kinh tế và không thể chấp nhận phiêu lưu, mạo hiểm, bất trắc, thử nghiệm như kinh tế.

Cải tổ giáo dục là điều ai cũng thấy là cấp bách. Và quá to lớn, phức tạp. Nó giống như một cái “thị trường không tổ chức” mặc dù được nhà nước gọi là một ngành “hành chánh sự nghiệp”. Những câu hỏi then chốt, tuy nhiên, lại chưa được trả lời: mục đích, nội dung, ai dạy và dạy ai. Việt Nam vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, về mặt lý thuyết là một xã hội mà sự thụ hưởng các tiện ích giáo dục và y tế là “phần ưu việt nhất của chế độ”. Thế nhưng cái tính giai cấp của xã hội lại nặng nề thể hiện trong giáo dục: chỉ có người giàu, người có quyền thế mới đi học được. Cũng như hiện nay chỉ có người có tiền mới được chăm sóc sức khỏe, đi bệnh viện, khám bác sĩ. Trong phát triển kinh tế, Việt Nam vốn khoán trắng cho các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài, các nhà xuất nhập cảng nước ngoài. Còn người Việt Nam có tham gia kinh doanh là chỉ để làm ăn. Trong giáo dục, người ta cũng e rằng Việt Nam đang muốn khóan trắng cho những người nước ngoài, trong ảo tưởng sẽ có được một đội ngũ “kỹ trị” điều hành quốc gia về sau. Vì quá rãnh rỗi trước những việc có tinh “quốc sách” nhưng không phải làm, cho nên người ta mới nghĩ đến trò chơi “cổ phần hóa trường học”. Cổ phần hóa là kinh doanh hóa và tư nhân hóa nền giáo dục quốc gia.

Giáo dục bao giờ cũng là trách nhiệm của chính phủ, là sự “liêm sĩ” của nhà nước. Đó là đầu tư có ý nghĩa nhất của những người có trong trách lãnh đạo quốc gia cho tiền đồ của dân tộc. Nó không thể là một lĩnh vực kinh doanh hóa, lại càng không thể tư nhân hóa theo nghĩa nhà nước nhường cho tư nhân đảm nhận trách nhiệm của mình. Trong tình trạng nhà nước còn “mang tiếng” là người chủ của nền giáo dục quốc gia mà người dân vẫn không có một nền giáo dục đại chúng, tiến bộ. Nay mà tư nhân hóa để giao giáo dục cho một xã hội chưa đủ cứng cáp, trưởng thành, chín chắn, cuộc phiêu lưu này hoặc là của những người loạn não vì vẫn chưa hiểu thế giới ngày nay là gì, hoặc là của những người cho mình sự toàn quyền hành động mà không bị ràng buộc bởi ý dân vì mình chẳng do dân bầu.

Cả hai trường hợp này đều cực kỳ nguy hiểm cho người dân, cho đất nước!

Keine Kommentare: