Năm đó tôi chỉ được chín hay mười tuổi, thôi thì cứ coi như chin tuổi rưỡi, và là Hướng Đạo sinh sói con đạo Hoa Lư. Bầy sói con đưọc chia làm bốn đàn, Trắng, Xám, Đen và Nâu, như màu lông của những con chó sói. Tôi thuộc về đàn Đen, đeo một miếng phù hiệu hình tam giác màu đen trên cầu vai. Hậu là đứa lớn nhất và là đầu đàn, Nhân và Phong là hai đứa bằng tuổi tôi, và Nam là thằng nhỏ tuổi nhất. Hậu và Nhân là hai anh em ruột, Phong và Nam cũng là hai anh em ruột, nhưng đặc biệt là Nam chưa đủ tuổi để gia nhập Hướng Đạo. Phải đủ bảy tuổi mới được vào Sói Con, Nam chỉ mới sáu tuổi rưỡi nhưng vì thấy anh mình cứ sang Chủ Nhật là mặc bộ đồ Hướng Đạo ra đi, dáng hiên ngang oai phong lẫm liệt như cái tên của nó, nên Nam cứ khóc lóc nhèo nhẹo đòi cha mẹ cho đi Hướng Đạo với anh. Bố mẹ Phong và Nam đành phải dẫn đến năn nỉ Akêla Tuyết cho nó vào bầy. Chị Tuyết không khước từ được cũng đành phải nhận Nam với điều kiện là Phong phải trông chừng và giúp đỡ em.
Ngoài chị Tuyết là Akêla trưởng bày còn có anh Long làm Balu nghĩa là con gấu dạy luật rừng, từ ngữ của Hướng Đạo có nghĩa là dạy cho các sói con phân biệt phải trái; anh Cung làm Bagera là con beo đen dạy đi săn nghĩa là dạy các trò chơi; chị Ngọc làm Chil là con chim ưng dạy múa hát. Ngoài ra còn có một người không là Hướng Đạo nhưng thường đến chơi với bọn trẻ trong bầy sói và được tụi nhóc gọi là Hathi nghĩa là con voi già hay kể chuyện cổ tích cho sói con nghe, đó là anh Phương “boy friend” của chị Tuyết.
Thật ra trước khi được vào chơi với bầy sói con anh Phương đã mất một thời gian rất dài cứ sáng Chủ Nhật là mang xe hơi của cha mẹ đến đợi chị Tuyết và năn nỉ chở chị Tuyết về nhà. Vì tôi ở không xa nhà chị Tuyết nên ban đầu chị kêu tôi cùng theo chị lên xe để anh Phương chở về cùng với chị. Sau này thì còn được theo chị và anh Phương đi ăn kem trên đường Nguyễn Huệ hay Lê Lợi gì đó. Quán kem có treo những bức tranh sơn dầu hình hoa quả xen lẫn vài bức tranh vẽ người matador Tây Ban Nha đang đấu bò. Anh Phương hiền thế nhưng không hiểu chị Tuyết sợ gì mà phải kéo theo tôi đi bảo vệ, làm như tôi là chó sói lông đen thứ thiệt không bằng. Chỉ một vài lần đầu thì chị Tuyết có vẻ cần tôi nhưng những lần sau thì anh Phương cần tôi hơn. Có lẽ vì thằng bé chin tuổi rưỡi làm cho anh thấy anh không phải là kẻ vụng về duy nhất trên đời, những câu hỏi nhớ ngẩn của thằng bé có khi lại giúp anh có đề tài nói chuyện.
Chị Tuyết năm đó đã tốt nghiệp Quyốc Gia Âm nhạc về violon, thỉnh thoảng chị ôm cây guitar trông chị giống giống Francois Hardy với dáng thanh tú cao cao. Thỉnh thoảng các trưởng cũng phải cùng chơi với các sói con trong các trò ganh đua. Chị luôn luôn chọn đàn Đen, có lẽ chị biết vì có thằng Nam nhỏ nhít do chị nhận vào dù chưa đủ tuổi, đàn Đen chỉ có thua và thua. Và tôi nhớ mãi một lần cắm trại trên Thủ Đức.
Hôm đó chúng tôi đi xe bus đến trước nhà thờ Thủ Đức rồi từ đó đi bộ ra ngoài vòng đai Thủ Đức tìm chỗ mát mẻ và rộng rãi để cắm trại. Trong các trò chơi đồng đội thì đàn Đen chúng tôi luôn luôn về chót, cho đến trò chơi cuối cùng là tìm dấu đi đường. Trong trò chơi này chúng tôi cũng chậm chạp đi chót vì phải dắt theo thằng Nam nhõng nhẻo với anh Phong của nó, và rồi trong số những đàn đi trước có đứa chơi ác đổi dấu đi đường chỉ vào lối khác, thế là chúng tôi đi lạc. Càng bước đi chúng tôi càng ra khỏi khu vực cắm trại. Khi biết mình đã lạc, chúng tôi lo lắng để Hậu đi trước tìm đường, tôi và Nhân theo sát Hậu để giúp ý kiến, hai anh em Phong và Nam đi sau chót. Sau lưng tôi thằng Nam thút thít lo sợ hỏi Phong cả trăm câu hỏi, Phong bực bội trả lời nhát gừng. Hai anh em mà sao hai giọng nói khác nhau một trời một vực, Nam giọng trong trẻo của một thằng bé con sáu tuổi rưỡi, còn Phong có giọng thổ khan khan, dù không gắt gỏng cũng nghe như gắt gỏng. Thằng Nam nói:
- Anh Phong ơi, coi chừng con ma nó cắn.
- Chó mới cắn, ma mà cắn cái gì? Đồ ngu!
Phong gắt gỏng trả lời và còn mắng em là đồ ngu nhưng thằng Nam không giận lại thút thít hỏi tiếp:
- Con ma nó không cắn chứ nó làm gì?
Phong không trả lời, có lẽ không muốn làm cho thằng em sợ thêm. Nhưng lúc đó tôi cũng chỉ là thằng bé chín tuổi rưỡi, tôi lại tưởng rằng thằng Phong bị hỏi một câu khó quá nên nó bí, thế là tôi trả lời hộ:
- Con ma nó bóp cổ.
Thế là thằng Nam sợ hãi oà lên khóc thật to. Phong chịu hết nổi, đưa hai tay lên bịt tai và chạy lên phía trước, cừa chạy vừa la:
- A A A A A A!
Vừa chạy khuất sau một lùm cây trước mặt thì tiếng la của thằng Phong đột nhiên ngưng bặt. Chưa bao giờ chuyện này xảy ra vì thường thường thằng Phong phải giảm volumme dần dần rồi mới im. Nó ngưng ngang xương thế này là chắc phải có chuyện gì. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng chạy lên phía trước xem thử.
Phong đang đứng dưới một cái hố, có một thứ sình hôi thối tanh tưởi chưa từng thấy ngập đến ngang ống quyển, nó đang khóc rưng rức không thành tiếng. Chưa bao giờ thằng Nam tỏ ra người lớn như thế, không còn khóc lóc, thút thít gì nữa cả, nó nhảy ngay xuống miệng hố cố với lấy thằng anh. Nhưng Hậu đã nắm cổ thằng nhỏ kéo kên rồi nhảy xuống thế chỗ với lấy tay Phong. Chúng tôi cùng nắm tay nhau kéo thằng Phong lên rồi nhìn quanh. Thì ra chúng tôi đã đi vào chỗ người ta giết bò, giết heo lậu. Đây đó vương vãi máu xương và phân thú vật. Cái hố mà Phong vừa rơi xuống là chỗ đổ phân và máu của trâu bò. Chúng tôi cố rời ra xa nơi hôi thối đó nhưng mùi hôi thối vẫn dai dẳng chạy theo, thì ra là mùi hôi từ đôi chân của Phong bốc ra. Đến một cây cổ thụ coi bộ dễ trèo, Hậu leo lên rồi nhìn ra xa. Dường như ờ xa xa có bóng người lố nhố đang hun khói bốc lên từng cụm. Cụm nhỏ cụm lớn, cụm nhỏ cụm lớn, cụm nhỏ cụm lớn. Tít ta, tít ta, tít ta. Đúng là tín hiệu morse của anh Cung gọi đây mà. Hậu móc trong túi áo chiếc gương nhỏ dùng để đánh morse ra trả lới ta tít ta. Thế là ở xa lập tức có ánh gương loe loé truyền đi những tín hiệu morse:
- CO PHAI DAN DEN DO KHONG ?
- CHUNG EM LA DAN DEN DANG DI LAC.
- O YEN NOI DO, TIEP TUC LIEN LAC, CAC ANH CHI SE DEN DON.
Và rồi chúng tôi tiếp tục liên lạc cho đến khi các huynh trưởng đến. Chị Tuyết mừng chảy nước mắt khi tìm được chúng tôi. Thật là một buổi cắm trại đầy nước mắt. Thằng Nam khóc, thằng Phong khóc, bây giờ đến phiên chị Tuyết khóc. Trò chơi tìm dấu đi đường đó là trò chơi duy nhất chúng tôi không bị đứng hạng chót. Mấy đứa gian ác đã thay đổi dấu đi đường làm chúng tôi đi lạc mới phải đúng chót. Rồi các huynh trưởng dắt thằng Phong đến nhà dân quê ở gần đó xin nước giếng cho nó rửa chân. Cái mùi hôi thối vẫn cứ thum thủm không thể nào rửa hết được.
Trước khi rời trại, anh Cung lại bày ra một cuộc thi chót, thi đi bộ xem đàn nào về đến nhà thờ Thủ Đúc trước. Bốn huynh trưởng lại chia nhau mỗi người dẫn dắt một đàn đi bộ về cổng nhà thờ Thủ Đức, chị Tuyết lại dắt đàn Đen chúng tôi đi như thường lệ. Bây giờ thì thằng Nam lại trở lại nguyên hình một thằng bé sáu tuổi rưỡi, nhõng nhẽo than mệt, than đau chân, mỏi chân. Đi một quãng là chúng tôi lại bị bỏ lại sau lưng các đàn khác. Chị Tuyết dắt thằng Nam và mấy đứa chúng tôi vào ngồi nghỉ bên vệ đường. Trong lúc chúng tôi ngồi nghỉ, chị ra đứng bên đường ngó dáo dác đằng xa. Thời đó chưa có mobile phone nhưng có lẽ khi yêu nhau người ta có thần giao cách cảm, cũng có lẽ mọi cuộc cắm trại khác anh Phương đều đến chơi với chúng tôi năm mười phút, hôm nay đến giờ về mà vẫn chẳng thấy anh đâu, có lẽ anh đến trễ. Và rồi đàng xa có bóng dáng chiếc xe của anh Phương chạy đến. Chị Tuyết kêu chúng tôi dồn hết lên xe của anh Phương. Chúng tôi mừng lắm, chỉ có mình thằng Phong là có vẻ ngượng nghịu vì cái mùi hôi thối bốc ra từ chân của nó. Khi xe chạy qua mặt các anh chị huynh trưởng đang dắt các bầy sói đi bộ chúng tôi đều hụp đầu xuống núp, kể cả chị Tuyết. Cả bọn cười khúc khích khi nghe các huynh trưởng và bầy sói vừa đi vừa hát:
- Một cây số đi chân, là hư là hư la hứ. Một cây số đi chân, ối cha nó hư đôi giày.
Đến trước cổng nhà thờ Thủ Đức anh Phương thả chúng tôi xuống đó và hẹn sẽ gặp lại chúng tôi ở sân vận động Hoa Lư nơi xe bus sẽ chở chúng tôi trở về. Vào trong sân nhà thờ ngồi đợi, chị Tuyết đến quỳ bên hang đá, có lẽ chị muốn xưng tội đã ăn gian vì đã dắt chúng tôi về bằng xe hơi thay vì đi bộ. Hai an hem Phong và Nam cũng đến quỳ bên cạnh chị. Anh em Nhân, Hậu và tôi là người Phật Giáo nên chỉ ngồi chơi, lấy cây violon của chị Tuyết ra đùa nghịch. Khi chị Tuyết và anh em Phong Nam trở lại chỗ chúng tôi ngồi, Hậu trịnh trọng bằng cả hai tay cầm cây violon và cây arch nâng ngang cằm xin chị Tuyết đàn cho một vài bản nhạc. Bản nhạc đầu tiên chị chơi là bản Giọt Mưa Trên Lá mà Phạm Duy vừa mới cho ra lò vào thời đó. Tiếng đàn ấm áp dìu dặt vừa dứt, chúng tôi vỗ tay nhưng biết tỏng bản nhạc đầu tiên chị chơi chỉ là bản nhạc warm up cho mềm ngón tay, từ bản nhạc thứ hai trở đi mới là những bản chị trổ hết tài nghệ, và chúng tôi la bis bis ỏm tỏi. Rồi chị ngồi thật im cho tâm hồn lắng đọng chừng vài giây trước khi chậm rãi khoan thai kéo những nốt đầu tiên của bản nhạc bất hủ Ave Maria. Tiếng đàn du dương trầm bổng như tha thiết van nài một điều gì làm cho long tôi rưng rưng. Đôi mắt của thằng bé chin tuổi rưỡi bỗng dưng cay cay mọng nước. Hôm đó trong sân nhà thờ Thủ Đức có vài chú chim sẻ về tổ sớm hơn thường lệ, chiêm chiếp hỏi nhau âm thanh gì mà nghe như trên thiên đường vọng xuống. Không, không phải từ trên thiên đường vọng xuống đâu, đó chỉ là tiếng đàn của cô gái Hướng Đạo đang ngồi bên hang đá. Trong hang đá có một gia đình nghèo nhưng hạnh phúc. Thánh Joseph và Đức Mẹ Maria đang cúi nhìn Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Không biết Chúa có nghe tiếng đàn của chị Tuyết hay không? Nếu có chắc Chúa sẽ sắp xếp lại cuộc đời của năm đứa nhỏ ngồi nghe đàn hôm đó. Lớn lên thế nào cũng có đứa say mê âm nhạc, dù chẳng được tiền bạc hay danh vọng gì vẫn cứ chơi đàn viết nhạc cho đến suốt cuộc đời.
Ác, tháng Sáu hai ngàn lẻ chin.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen