Thi Phương
Thời nào cũng thế, không thiếu những chính khách điên rồ và ngu xuẩn. Những tham vọng mù quáng đã xô đẩy nhiều người ra tranh cử, chẳng cần hiểu mình là “ngưòi hiền”, “người tài” đến cỡ nào, và một khi người ta đã trở thành “chính khách” cho dù chỉ của một hội đồng thành phố nhờ sự mê muội tuyệt vọng của một số người, thì tham vọng và ảo tưởng càng khiến ngưòi ta càng điên hơn, càng ngu hơn - nhất là một khi trong đầu thực sự chẳng có viễn kiến, chương trình hay kế hoạch gì ích nước, lợi nhà. Chính khách như thế thì hằng hà sa số - thời nào cũng có, ở đâu cũng có, cộng đồng nào cũng có. Thế nhưng chính khách ngu và điên như thế mà lên đến được vai trò lãnh đạo đúng là hiếm.
Chỉ tính từ thời Đệ nhị Thế chiến đến nay, nước Mỹ nói chung có những lãnh tụ xứng đáng, hiểu theo nghĩa tương đối, và cả những người thất cử tổng thống cũng xứng đáng – theo nghĩa có tư cách, có tinh thần trách nhiệm, không ăn nói bừa bãi và không có những quan điểm chính trị “ngưọc ngạo”, bất kể lý lẽ (common sense) và đạo nghĩa chính trị truyền thống (political morality) của Mỹ. Bỗng dưng năm nay là một năm chẳng ra làm sao cả. Nước Mỹ hơn một năm nay đứng ngồi không yên với Donald Trump bởi vì càng ngày người ta càng thấy ông là một ứng cử viên không tiền khoáng hậu của một đảng lớn. Những câu chuyện khó tưởng được về ông thì người ta đã nói mãi, nói không ngớt từ cả năm nay, nhưng có cái lạ là trong khi thế giới ngày càng thấy ông kinh dị, thì ngưòi Mỹ nhún vai xem như họ đã quen rồi. Đúng là nếu đã suy nghĩ, người ta đã đánh giá ông từ những chuyện giản đơn, như ông từng 5-6 năm trước bỏ tiền ra để đi điều tra về thân thế của Tổng thống Barack Obama, trong khi nguồn gốc của vợ ông hiện nay (Melania Trump, người vợ thứ ba trong đời, từng là người mẫu khỏa thân trên một số tạp chí, và nay đang đi kiện một tạp chí nước Anh về tội nói bà từng hành nghề đưa người cửa trước, rước người cửa sau trước khi gặp ông Trump làm Từ Hải) thì ông lờ đi trong khi báo chí đang nghiêm chỉnh đặt câu hỏi bà có từng là di dân bất hợp pháp từ Slovenia trước khi có giấy tờ hợp lệ ở Mỹ hay chăng. Hay Đại học Trump University chuyên cấp bằng mà không bắt người ta phải đi học, cho nên chỉ đào tạo ra những giáo sư, tiến sĩ giống một số giáo sư, tiến sĩ ma người Việt ở trong nước hay hải ngoại (Đơn giản: giáo sư phải có học trò, tiến sĩ phải có luận án). Hay cách làm ăn của ông, giỏi trốn thuế, lách thuế… bằng cách khai phá sản liên tục. Đến nay, có hai hồ sơ ông vẫn không chịu công bố dù ngày bầu cử chỉ còn hơn một tháng rưỡi: thuế và sức khỏe! Bình thường, người ta vẫn nghĩ ông chỉ là trò mua vui chính trị một vài trống canh nhân một phút yếu lòng của cử tri Cộng Hòa cùng với sự khủng hoảng lãnh đạo của đảng, làm sao có thể tưởng tượng được ông có thể đặt chân được vào Nhà Trắng. Thế nhưng những tai tiếng không dứt của bà Clinton bên đảng Dân Chủ làm cho ông trở thành một mối đe dọa ô nhục thực sự cho nước Mỹ. Một phần từ cảm hứng về bà vợ ông, một số nhà bình luận nói ông giống như một người xưa - một ông vua không có áo quần trên người vẫn nghênh ngang xuống phố.
Thế nhưng ông Trump vẫn có quyền nói ông chẳng là gì khi so với Ngoại trưởng nước Anh hiện nay Boris Johnson. Thực ra, thời nay, người ta nói về ông Trump lại nghĩ ngay đến ông Johnson, hay nói về Johnson ngưòi ta nghĩ ngay đến ông Trump vì hai người cũng có nhân dạng khá giống nhau. Johnson, nổi tiếng là chính khách ăn nói miệt thị và bừa bãi nhất thế giới, trước đây có dịp qua New York, vùng đất của Trump, đã từng nói đùa: “Có một lần tôi đứng ngoài phố, người ta hỏi tôi có phải là Donald Trump không, tôi sợ quá, muốn chết đi được!”. Nhưng thật ra, người ta chưa biết Trump đi được tới đâu, nhưng Johnson thì đã là một tai họa không thể cứu chữa được của nước Anh, một nước cứ nghĩ mình là văn minh bậc nhất – cho tới khi có Boris Johnson. Ông này nguyên là thị trưởng London và là một trong những người chủ chốt vận động cho Brexit – nước Anh ra khỏi Liên Âu. Ông ta nổi tiếng về ăn nói miệt thị và bừa bãi, vừa ngu vừa điên như nhiều người Anh có học miệt thị nhìn ông. Nhưng họ chỉ là thiểu số. Và có lẽ ông chẳng điên và ngu tí nào, bởi lẽ ông khai thác rất tài tình sự điên rồ, tuyệt vọng, tăm tối của một thành phần dân chúng vừa lớn tuổi, vừa ít học trong dân chúng để cho họ bỏ phiếu phủ nhận lý lịch, quan hệ truyền thống và có tính cách sống còn của nước Anh với Liên Âu. Bà Theresa May, thủ tướng mới của Anh thay ông David Cameron bị bẽ mặt vì lá phiếu Brexit này, chẳng hiểu vì sao lại chọn ông Johnson làm ngoại trưởng khi cả thế giới nói chung đều ớn ông ta. Và người ta nay có dịp nhắc lại những phát ngôn bất hủ, “phi ngoại giao” của ông. Tháng tư năm nay, khi Tổng thống Obama viết lên báo ủng hộ quan điểm nước Anh phải ở lại Liên Âu, ông Johnson nói rằng quan điểm của ông Obama có lẽ xuất phát từ nguồn gốc Kenya của ông. Johnson cũng chỉ trích ông Obama đã gởi tặng nước Anh một tượng của Thủ tướng Winston Churchill lâu nay vẫn được đặt trong Tòa Bạch Ốc, Johnson nói hành động đó là do lòng căm ghét Đế quốc Anh của người dân thuộc địa Kenya mà ông Obama mang dòng máu đó. Năm 2007, trong một bài báo trên tờ Daily Telegraph của Anh, Johnson đã so sánh bà Hillary Clinton, lúc đó mới ra tranh cử tổng thống, với một nữ điều dưỡng loạn dâm. Ông viết bà “nhuộm tóc trắng, môi đỏ chót, tia nhìn lạnh lùng, trông giống như một nữ điều dưỡng loạn dâm ở một nhà thương điên”. Tháng mười hai năm ngoái, khi ông Trump nói một phần London đang trở nên nguy hiểm vì khuynh hướng chính trị cấp tiến, Johnson nói “ông này chẳng biết gì cả” và “sở dĩ đến New York tôi chẳng muốn đi đâu vì sợ gặp phải ông Trump”. Về lý do tại sao nước Anh phải ra khỏi Liên Âu, Johnson nói Liên Âu đang có âm mưu như Đức Quốc Xã trước đây xây dựng một siêu quốc gia. “Napoleon, Hitler, nhiều người đã có tham vọng này và đều gục ngã bi đát. Liên Âu cũng thế thôi, dù theo một phương pháp khác”. Ông cũng từng nói bà Nữ hoàng Elizabeth thích được một “lũ mọi con” tung hô – cách ông gọi trẻ con ở châu Phi. Ông cũng nói dân Papua New Guinea “chuyên ăn thịt người”. Điều lạ lùng là nước Anh đang nhìn nhận muôn vàn khó khăn vì chuyện Brexit và tìm cach nấn ná ở lại Liên Âu, nhưng lại có một ông ngoại trưởng vô liêm sỉ chăng ai muốn nói chuyện với ông ta như thế.
Nhưng suy cho cùng, Trump hay Johnson, chẳng ai bằng được Rodrigo Duterte, Tổng thống Phi Luật Tân hiện nay. Châu Á đâu thua châu Âu hay châu Mỹ! Duterte lên thay Tổng thống Benigno Aquino III sau khi đắc cử vào ngày 9-5-2016, và nhậm chức ngày 30-6-2016, cách đây chỉ mới hơn hai tháng, nhưng đã nổi tiếng như cồn về chuyện bắn giết bừa bãi và ăn nói càng hung tợn hơn. Là thị trưởng lâu đời của thành phố Davao thuộc đảo Mindanao đông dân bản xứ, ít học, ông đắc cử với một chiến dịch tranh cử gây hấn, mạt sát các đối thủ cùng lời thề sẽ tiêu diệt thẳng tay các băng đảng buôn ma túy trong nước, vốn hoành hành bấy lâu nay ở nước này, ngang tầm cỡ với những nhóm Hồi giáo phản loạn. Ông đối nghịch, thù ghét giới chính khách “con nhà” chính thống lâu nay vẫn nắm quyền ở Phi. Ông dấy lên tư tưởng “chống Mỹ cứu nước”- nghịch với đường lối của các tổng thống trước đây muốn Mỹ trở lại lập căn cứ để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Duterte đã “thành công” trong chiến dịch “Người trừng phạt” một cách tai tiếng, với phương pháp “dĩ độc, trị độc”, “gậy ông đập lưng ông”, cho phép và khuyến khích bằng khen thưởng lực lượng đặc nhiệm của ông toàn quyền thanh toán các băng đảng mafia ma túy bằng thủ đoạn mafia, thủ tiêu, khủng bố, bắn chết các nghi can. Ngay cả người chỉ có tội dùng ma túy, và gia đình vô can của họ cũng bị vất xác ngoài đường mà không cần pháp luật với các thủ tục bắt giam, truy tố, đưa ra tòa. Có đến 2.400 người đã bị thanh toán kiểu đó, trong đó có cả trẻ em vô tội. Hơn 10.000 đã bị bắt giữ, và theo nhà chức trách, “675.000 người đã ra đầu thú”. Đương nhiên, ông đã làm người dân trong nước kinh hoàng vì cứ sợ bị bắn nhầm, bắt nhầm trong một xã hội không còn công lý. Nhưng ông càng làm cho thế giới kinh hoàng hơn bằng cách nói chuyện cực kỳ du côn.
Chữ ông ưa dùng nhất là “thứ con của đĩ” (son of a whore). Trong tranh cử, ông đã dùng chữ này tặng Đức Giáo hoàng Francis khi ngài đến thăm Manila làm ùn tắc giao thông. Trong một cuộc họp báo trong nước, ông nói với các ký giả nếu họ đồng tình với các băng đảng ma túy, người của ông cũng sẽ bắn chết họ thẳng tay, không cần xét xử. Khi một ký giả Phi bắt chước ký giả Mỹ đòi coi hồ sơ sức khỏe của ông, ông chửi thẳng vào mặt: “Tiên sư ông. Ông hỏi tôi như thế, tôi hỏi lại cái (…) của vợ ông thế nào, có hôi hay không, cho tôi xem giấy tờ đi” (How is the vagina of your wife? Is it smelly? Or not smelly? Give me the report). Khi đại sứ Mỹ tại Manila có ý kiến quan ngại về nạn bắn giết bừa bãi, Duterte cũng mắng: “Quí vị cũng biết, tôi đang tranh chấp với tên đại sứ của ngoại trưởng Mỹ. Tên đại sứ đồng tính của ông ta. Thứ con của đĩ”. Duterte cũng có dịp phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi ông Tổng thư ký Ban Ki Moon tỏ ý phê phán chiến dịch đánh băng đảng tội ác bất kể pháp luật và công lý của tân tổng thống của Phi. Duterte nói người ta phải câm mồm, đừng xía vào chuyện đất nước của ông, chỉ có ông biết, và chỉ có ông chịu trách nhiệm trước người dân. Ông còn dọa rút khỏi LHQ nếu tổ chức này “nhiều chuyện”. Ông nói: Mẹ kiếp, LHQ, các người không giải quyết nổi ngay cả nạn tàn sát ở Trung Đông… không nhấc nổi một ngón tay ở châu Phi… Câm miệng tất cả đi (Fuck you UN, you can't even solve the Middle East carnage... couldn't even lift a finger in Africa... shut up all of you).
Cao điểm của sự “thăng hoa” tư cách chính trị của Duterte là khi Tổng thống Obama đến Lào tham dự một cuộc họp của tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) và có ý muốn gặp ông để bàn về chuyện tai tiếng chiến tranh ma túy này. Chúng ta nên nhớ Phi Luât Tân có lẽ là nước đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Vốn là một thuộc địa của Mỹ, Phi Luật Tân được trao trả độc lập vào năm 1935, bị Nhật Bản chiếm đóng trong Đệ nhị Thế chiến nhưng rồi được Mỹ giải phóng vào năm 1945. Từ đó, Phi vẫn là một nước được Mỹ bảo trợ trên nhiều mặt, rõ ràng nhất là sự thịnh hành của tiếng Mỹ như ngôn ngữ chính. Tuy chiến tranh lạnh đã chấm dứt, Phi vẫn là một tiền đồn của Mỹ ở vùng biển chiến lược này (một tiền đồn thực sự), và tuy Mỹ gần đây đã đóng cửa các căn cứ quân sự nhưng Phi vẫn cần thế lực quân sự của Mỹ để chống lại những đe dọa của Trung Quốc ở Biên Đông.
Nhưng nay thì Duterte lại gây tinh thần bài ngoại chống Mỹ nơi người dân Phi Luật Tân. Ông ta cho rằng Mỹ phải xin lỗi Phi Luat Tân vì những sai lầm trong thời chiếm đóng, và ông cũng đổ lỗi cho Mỹ về tình hình hỗn loạn ở trên đảo Mindanao miền nam nước này. Ông nói: “Thực sự là chúng tôi đã thừa kế vấn đề này từ nước Mỹ. Vì sao? Bởi vì họ xâm chiếm nước này và biến chúng tôi thành thần dân của họ. Ai cũng có một thành tích giết hại ngoài vòng pháp luật. Tại sao họ lại đặt vấn đề khi chúng tôi chống tội ác… Hãy xem tình trạng nhân quyền ở nước Mỹ theo hướng đó. Cách họ đối xử với di dân trong nước của họ”. Trước khi lên đường đi Lào tham dự hội nghị APEC, ông la lối khi được hỏi về ý kiến của Obama: “Ông ta nghĩ mình là ai? Tôi chẳng phải là bù nhìn của Mỹ. Tôi là tổng thống của một nước có chủ quyền và tôi không phải trả lời cho ai ngoài người dân Phi. Đồ chó chết, tôi sẽ chửi thẳng vào mặt ông” (Who does he think he is? I am no American puppet. I am the president of a sovereign country and I am not answerable to anyone except the Filipino people… Son of a bitch, I will swear at you).
Dĩ nhiên, người ta đang bình luận, suy đoán nhiều chuyện. Phải chăng Duterte điên rồ đến độ có thể nghĩ rằng mình cứ đi thẳng đến với Bắc Kinh để có thỏa hiệp riêng về vùng biển mà không dựa vào Mỹ và chiến lược của Mỹ ở Biển Đông? Đó là một trò đánh đố nguy hiểm, dĩ nhiên Trung Nam Hải vỗ tay nhưng Phi sẽ bị cô lập trong vùng. Liệu ông ta có thể tồn tại bao lâu khi Mỹ chắc chắn chẳng ngồi yên, và những thế lực chính trị bên trong của Phi sẽ không thiếu khả năng kéo ông ta xuống – cách này hay cách khác. Bao nhiêu tổng thống Phi đã bị đánh gục khi giới chính trị “chính lưu’ – các đại gia đình quyền lực của Phi - đồng hợp lực.
Trong khi tiếp tục theo dõi vỡ tuồng này, chúng ta có thể thấy rằng đúng là có hai thì phải có ba. Mỹ có Trump, Anh có Johnson thì Phi phải có Duterte. Cái thời đại ngày nay như thế. Thế giới toàn cầu hóa rộng lớn qua cho nên người ta không thấy được gì cả. Người dân Mỹ còn không thấy, người dân Anh cũng mịt mù, thì huống gì người dân Phi ở một hoang đảo. Dân chủ hỏng nơi nơi cho nên người dân quay cuồng, điên tiết, tuyệt vọng, liều lĩnh. Người dân mà như thế thì dân chủ ích gì cho buổi ấy, chỉ thêm hỏng mà thôi.
Nhưng có một diều chăc chắn: sẽ chẳng bao lâu nữa, cả ba nhân vật dị hợm này sẽ trở thành quá khứ!
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen