Hoàng Ngọc Nguyên
Chỉ còn vài ngày nữa, cử tri Mỹ sẽ đi bầu tổng thống thứ 45 của họ, và thực rất khó nói họ đã sẵn sàng cho cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm nay hay chưa. Liệu nước Mỹ sẽ có một nữ tổng thống đầu tiên? Hay một người lạ mặt đi lạc vào Tòa Bạch Ốc? Hôm thứ năm 27-10, tức khoảng 12 ngày trước bầu cử, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump có vẻ hết kiên nhẫn. Một lần, khi được Dana Bash, một nữ ký giả của CNN, phỏng vấn tại một cuộc họp, ông đã cắt ngang và bỏ đi khi được hỏi tại sao ông không tập trung vận động ở những tiểu bang “ngang ngửa” như Ohio, Florida, Pennsylvania, mà lại đi cắt băng khánh thành một khách sạn lớn ở Washington. Một lần khác, ông nói: “Có một cách chúng ta nên làm. Chấm dứt cuộc vận động tranh cử tổng thống của hai đảng, và tuyên bố tôi thắng cử là xong”. Trump cho rằng các chính sách của bà Clinton “quá tệ hại”, cho nên đừng làm người dân Mỹ mất thì giờ. Người dân dù sao cũng đã quyết định rồi.
Ông nói thế giữa khi các thăm dò đều cho thấy bà Clinton vẫn dẫn đầu, mặc dù đáng ngạc nhiên là trong thăm dò của Washington Post/ABC News được công bố 29-10, bà Clinton chỉ hơn ông Trump 2 điểm (47%-45%). Tuy nhiên, đến 59% những người được hỏi cho rằng bà Clinton sẽ thắng. Chỉ mười ngày trước đó, bà Clinton dẫn ông Trump đến 13 điểm! Tại sao bà mất điểm nhanh như thế? Có thể vì chuyện email. Thăm dò cho thấy có đến 62% không hài lòng về cách bà Clinton “xử lý” những câu hỏi liên quan đến những email của bà – chuyện có thể chưa hẳn là nhỏ, trước mắt cũng như lâu dài.
Nếu tính toán theo cử tri đoàn, người ta còn thấy số phiếu của bà sẽ ít nhất là 320, trong khi chỉ cần 270 bà đã là người thắng cuộc. Sở dĩ có “hiện tượng” này là vì nhiều cử tri Cộng Hòa đang theo gương một số chính khách của đảng quyết không bỏ phiếu cho ông Trump, thậm chí còn “đỏ bỏ vào giỏ, xanh vào thùng”. Điều này có nghĩa là một số tiểu bang “đỏ” - tức vốn theo Cộng Hòa – nay có thể ngã qua màu xanh. Nói cách khác nữa, một số tiểu bang nay trở thành “tiểu bang xích đu” (swing state), không còn giữ được màu chính thống của mình. Tất cả chỉ là giả thuyết dựa trên suy luận, nhưng trong một thời lý lẽ chẳng còn, thì người ta ắt phải wait and see.
Tuy được không biết bao nhiêu nhân vật có uy tín trong đảng công khai vận động, trong đó phải kể Tổng thống Obama và vợ ông (Michelle gọi bà Clinton là “my girl”), Phó Tổng thống Joe Biden (người luôn luôn nói rằng tôi không ra tranh cử, nhưng nếu tôi ra, chắc tôi sẽ có thể đánh bại được bà Clinton), cựu đối thủ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, bà Clinton không có lý do gì để dễ ngươi. Trong tuần lễ cuối của tháng mười, tình hình bỗng dưng căng thẳng với bà, cho dù ông Bill Clinton chẳng nói năng, cựa quậy gì cả. Trước hết là chuyện Obamacare, báo cáo mới nhất cho thấy bảo phí sẽ gia tăng đáng kể trong năm tới, thế là bà trở nên khó ăn khó nói với cử tri. Người ta lại khui ra câu chuyện Clinton Foundation dựa thế bà Clinton khi làm ngoại trưởng. Nhưng quan trọng nhất là những email của ông cựu dân biểu New York Anthony Weiner trên máy của bà Clinton (ông này bị bệnh ẩn ức sinh lý còn nặng hơn, vợ ông là Huma Abedin, bí thư số 1 của bà Clinton bấy lâu nay, nay phải bỏ ông vì ông không bỏ được tật kiếm gái trên mạng). Ngày thứ sáu 28-10, Giám đốc FBI James Comey gởi thơ cho những lãnh đạo Quốc Hội biết là cơ quan của ông đang xem xét những email trao đổi giữa Abedin và Weiner trong máy cái của bà Clinton để xem có liên quan gì “bí mật quốc gia” hay chăng.
Đây là một scandal mới, nhưng xem chừng nhân vật chính trong vụ tai tiếng này chính là ông Comey. Ông từng là thứ trưởng tư pháp dưới thời Tổng thống Bush. Năm 2013, ông được Obama mời ra làm giám đốc FBI. Ông đã từng tuyên bố hai tháng trước đóng lại cuộc điều tra này vì không có bằng chứng bà Clinton “phạm tội”. Mười một ngày trước bầu cử, đột nhiên ông cho biết FBI đang điều tra email của ông Weiner trong máy của bà, đương nhiên, làm cho người ta phài suy nghĩ về động cơ thúc đẩy hành động này. Nên nhớ rằng chính bà Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch và cả Thứ trưởng Tư pháp Sally Yates đều can ngăn ông làm việc này - nhất là vào thời điểm quyết định của cuộc bầu cử. Nói cho cùng, ngoài chuyện thông báo “xem lại những email” (mà ông không nhất thiết phải thông báo), ông không nói được lý do phải thông báo, hay có những dấu hiệu hay chứng cớ buộc ông phải hành động. Đúng là chuyện phá hoại “cà chớn” và bẩn thỉu”, nhất là vì ông từng là thứ trưởng tư pháp và hiểu qui tắc hành động của ngành này.
Tức thì vào ngày thứ bảy, bà Clinton lên tiếng đặt nghi vấn về quyết định của ông Comey viết thơ cho Quốc Hội, bà cho rằng chọn thời điểm này để nói lên chuyện đó là “chưa từng có” và “gây khó khăn”. Bà nói: “Thật lạ lùng khi đưa ra sự việc như thế mà chẳng có chi tiết, tin tức gì cả ngay trước khi cử tri đi bầu. Thực ra, nó không chỉ lạ lùng, nó chưa từng có, gây hoang mang cùng cực vì cư tri cần phải biết sự việc đầy đủ, hoàn toàn”. Bà nói ông Conway không thể ỡm ờ hay nửa vời như thế, ông phải nhanh chóng đưa ra thêm tin tức, “phải giải thích ngay tất cả mọi việc, đặt tất cả lên bàn”. Một chuyên gia luật học cộng tác với CNN, Paul Callan, đã cho rằng “đến lúc ông Comey phải ra đi” vì ông mất tư cách của một ngưòi đứng đầu cơ quan điều tra lien bang. Richard Painter, một giáo sư luật học ở Đại học Minnesota, đã kết luận ông Comey đã “lạm dụng quyền lực” (abuse of power), vì “công việc FBI là điều tra, không phải chỉ phối kết quả một cuộc bầu cử” (The F.B.I.’s job is to investigate, not to influence the outcome of an election). Ông Harry Reid, chủ tịch phía Dân Chủ tại Thượng Viện, cho rằng “có lẽ ông Comey đã phạm pháp”. Thăm dò của CNN đưa ra hôm chủ nhật cho thấy bà Clinton hơn ông Trump 5 điểm. Tuy nhiên, đáng lưu ý là có đến 3 trong 10 người được hỏi nói rằng diễn tiến mới này như ông Comey tiết lộ có thể làm họ đổi ý.
Bình thường, ngưòi ta vẫn nghĩ bà Clinton cuối cùng vẫn thắng cử. Chẳng lẽ một người như ông Trump lại được tín nhiệm? Hay nói cách khác, chẳng lẽ người dân Mỹ đã điên rồ, giận dữ đến mức bất kể? Hay ngưòi ta ghét bà Clinton đến mức bất kể - kể cả ông Trump. Lý lẽ đơn giản nhất để cho người ta bỏ phiếu cho bà Clinton là “the lesser of the two evils”. Nhưng thật ra, những kinh nghiệm bà đã tích lũy, cùng những đường lối, chính sách của bà còn cho người ta hiểu và an tâm. Tuy nhiên, kết quả như thế nào, chúng ta còn phải chờ đến ngày 8-11. Người ta vẫn nói “Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point” – và nay chỉ cần đổi một tí: Cử tri có những lý lẽ riêng của họ mà lý lẽ không thể biết được.
Từ kết quả chi tiết của cuộc bỏ phiếu này mà chúng ta có thể kết luận rất nhiều chuyện. Ví dụ, hiện nay, người ta nghĩ rằng bà Clinton đã nắm chắc được lá phiếu của người da đen, người Hispanic, phụ nữ và nói chung những thành phần cử tri trẻ và cấp tiến vốn ủng hộ ông Sanders. Đúng là ông Trump nào ưa người da đen: tuy lăng nhăng, bậy bạ như thế, ông có dính líu với phụ nữ nào khác màu da đâu? Còn người Hispanic? Ông đã đe dọa trục xuất 2.5 triệu người chỉ trong năm đầu. Ai mà bỏ phiếu cho ông. Còn phụ nữ? Ông chỉ quen “ăn bánh trả tiền” – có qui trọng nhân phẩm của phái yếu như ông ba hoa đâu? Nắm những thành phần này kể như bà Clinton chắc ăn. Thế nhưng tại sao bà vẫn sợ? Những giả định đó đúng đến mức nào. Có tính quyết định đến đâu?
Những nhà nghiên cứu cũng bàn nhiều về tính quyết định của cử tri da trắng. Thành phấn cử tri này đang có chuyển biến: lớp ngưòi da trắng giàu có và có học, thường đi theo Cộng Hòa, nay chuyển qua đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử này. Trong khi thành phần da trắng lao động lợi tức thấp, ít học đông đảo, trước đây vẫn theo Dân Chủ, nay lại chuyển qua Cộng Hòa. Theo nhà báo kỳ cựu Thomas Edsall viết bài phân tích có tựa “The Great Democratic Inversion” (sự đảo ngược vĩ đại của đảng Dân Chủ) trên The New York Times, “Ngưòi Dân Chủ, bao gồm lớp thượng lưu của đảng, vẫn dứt khoát theo ý thức hệ tiến bộ, cởi mở, và đã có tinh đô thị hơn - sẵn sàng hơn chấp nhận toàn cầu hóa, mở rộng vòng tay đón di dân, không mang nặng đầu óc dân tộc và lạc quan hơn về tương lai”. Lớp thượng lưu da trắng trong đảng Dân Chủ, mặc dù quyền lợi gắn với chủ nghĩa tư bản, nhưng có quan điểm tiến bộ về kinh tế, họ không chỉ nghĩ rằng phải nâng đỡ tầng lớp nghèo ở dưới, mà chính phủ còn phải hành động nhiều hơn, can thiệp nhiều hơn để chấn chỉnh một hệ thống đang bị khuynh loát nhằm phục vụ quyềến lợi lớp trên, cụ thề là thế lực Wall Street và những đại doanh nghiệp.
Trong khi đó, người da trắng ở thành thị hay nông thôn đang thấy đời sống khó khăn hơn, và họ có khuynh hướng xem nền ngoại thương của Mỹ cũng như sự có mặt của di dân “ngoại chủng” (không da trắng) là nguyên nhân của tất cả những khó khăn và bất bình đối với môi trường xã hội của họ. Họ nghĩ rằng chính khách là những người ăn hại, bất lực, vô tâm, vô trách nhiệm, thậm chí phản bội họ. Bởi vậy, người ta không chỉ bỏ đảng Dân Chủ, họ bỏ cả đảng Cộng Hòa. Chỉ chạy theo ông Trump như là một ứng cử viên độc lập. Chính sự nhiệt tình của những người này tham dự vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa đúng là không ngờ được, làm cho tất cả những chính khách Cộng Hòa bị hố, và đưa ông Trump “đi ngõ tắt vào lịch sử”.
Như đã nói, cuộc bầu cử này sẽ giúp chúng ta hiểu được người Mỹ thời nay hơn, hiểu những vấn đề của họ, suy ra những vấn đề của đất nước. Cũng nhờ bầu cử chúng ta sẽ thấy hướng phát triển quyền lực ở Mỹ. Chỉ nội chuyện ông Trump theo thăm dò sẽ có số phiếu ngang ngửa với bà Clinton là chuyện “bất thường”, “quái đản”. Nếu người Mỹ bình tâm, sáng suốt một tí, ông Trump chưa chắc được 1% số phiếu, đừng nói 10%, càng không nói gì đến 40%. Nhưng chúng ta cứ nhìn cuộc trưng cầu dân ý Brexit điên rồ ở bên Anh để hiểu “anything can happen” một khi người dân đã phát điên, nổi giận, và… mất khôn. Bởi thế mà nhiều người đang lo sợ cho Western democracy. Nếu dân chủ phương tây mà không đứng được, thì còn cái gì đứng nổi? Độc tài của “giai cấp mới” như ở Trung Quốc hay Việt Nam?
Trắc nghiệm về người dân do đó cũng ở kết quả bầu cử ở một số tiểu bang, để xem tiểu bang đỏ nào có thể đổi màu, tiểu bang “xích đu” nào sẽ chuyển qua màu xanh da trời. Đây là một thước đo sự chuyển biến trong tâm tư trước mủa bầu cử hoảng loạn năm nay là thế nào. Mặt khác, bởi vì ngưòi Cộng Hòa từng ấp ủ mộng tưởng bầu cử năm nay 2016 là của họ vì mấy năm qua họ dồn sức váo chống phá chính quyền Obama, họ hy vọng giữ được đa số tại cả hai viện đống thời “xí” luôn Nhà Trắng, nay kết quả thực sự của cuộc bầu cử sẽ cho ta thấy đảng Cộng Hòa sẽ khủng hoảng đến mức độ nào.
Cũng trong nghĩa đó, tỷ lệ ngưòi dân đi bầu cũng là điều đáng theo dõi. Cuộc bầu cử năm nay huyên náo và phẫn nộ quá. Như vậy phải chăng có thề đông người hơn đi bỏ phiếu, 60% chẳng hạn thay vì chỉ lẹt đẹt 50% như trước đây, vì người ta ngấy bởi nhiều lẽ. Nếu ông Trump hay bà Clinton động viên được người ta đi bầu, đó là dấu hiệu sự quyết tâm của người dân nói rõ tiếng nói của mình.
Cho đến giờ, tiếng nói đã khá rõ. Nhật báo Los Angeles Times vào ngày 29-10 đã tìm cách tổng kết ý kiến của người dân về cuộc bầu cử này bằng cách hỏi những ngưoi đi chơi ở Disneyland và yêu cầu họ diễn tả chỉ trong một chữ. Tổng kết lại, số chữ có ý tiêu cực nhiều gấp bảy lần số chữ “tích cực”. Những chữ tích cực là “Great” (Tốt) và “Interesting” (thú vị). Trong khi đó, những chữ người ta vừa nói vừa lắc đầu gồm: Crazy (điên), comical (khôi hài), ugly (xấu xa), disaster (tai họa), ridiculous (lố bịch), humorous (hài hước), freak show (trò dởm), circus (gánh xiếc) disappointing (đang chán), worrisome (đang lo), joke (diễu dở), painful (đau nhức), frustrating (điên cái đầu), confusing (làm hopang mang. Cho đến sát ngày bầu cử, nhiều ngưòi vẫn tiếp tục tung ra những tin tức ngu xuẩn, phá hoại, được một số người Việt tiếp tay loan truyền trên mạng, chẳng hạn như Giao hoàng Francis ủng hộ ông Trump vì bà Clinton là người “pro choice” thay vì “pro life”, bà Clinton tiếp tay với một công ty dược phẩm giết chết một tuần 4.000 người già.
Bởi thế, thật khó trả lời câu hỏi “cử tri Mỹ đã sẵn sàng” chưa!
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen