Mittwoch, 19. April 2023

Cuộc sống mới trên đất Mỹ

Trần Lâm Phát

Virginia 2002

Tháng 6 năm 1979,  tôi theo gia đình vợ vượt biên bán chính thức theo diện người Hoa. Tôi không phải là người Hoa nên nhạc phụ mua lại giấy của người Hoa tên Trần Xú Há cho tôi để ra đi dễ dàng. Nhạc phụ và nhạc mẫu quyết định đi lúc này vì con trai chúng tôi, Vân-Hải, mới 3 tháng tuổi nên công an không hề để ý đến tôi.

Chiếc thuyền rời Mỹ tho được hai ngày thì chết máy. Chiếc ghe nhỏ trôi dạt 14 ngày ra đến Bình Tuy. Tàu Liên sô cứu vớt và kéo về Vũng tàu. Nhạc phụ tôi đưa mật khẩu cho công an Vũng tàu và họ liên lạc công an Mỹ tho. Ban điều hành Mỹ tho cho xe lên Vũng Tàu đón về và ra đi lần thứ hai.

        Đi được môt ngày thì bị hải quân bắt, giam vào 1 hòn đảo nhỏ một tuần. Tụi nó gọi từng người lên doạ nạt. Nhìn sắc mặt âu lo của cha mẹ vợ thì tôi cũng hiểu được lý do; do đó khi trò chuyện với người cùng thuyền, tôi luôn luôn nói tiếng Bắc kinh (Quan thoại). Tôi học tiếng Quan thoại 2 năm ở Trung tâm thính thị sinh ngữ, trường Đại Học Sư Phạm Sài gòn với giáo sư Khưu Sĩ Huệ trong lúc theo học ban Việt Hán Đại Học Sư Phạm Sài gòn.


Đại Học Sư Phạm Sài Gòn 1971

        Sau khi lấy hết tiền bạc, vòng vàng, địa bàn, xăng dầu, tụi nó kéo ghe chúng tôi ra ngoài khơi và chặt dây thừng.

Chủ ghe dường như đã dự đoán được hoàn cảnh này nên đã âm thầm đóng tàu 2 dáy và dấu nguyên liệu ở từng dưới. Sau khi bọn hải quân đi xa rồi, chủ ghe mới kêu thủy thủ đoàn đục thủng dáy trên, lấy lương thực và xăng dầu để tiếp tục hành trình. Nhìn trăng, nhìn trời mà định hướng. Đi dược một ngày thì bị hải tặc bắn súng hăm dọa. Tài công chạy tháo chết và lạc ra giữa biển khơi thuộc hải phận quốc tế. Lần này cũng gặp tàu Liên sô, họ cho thực phẩm, nước, và chỉ đường cho tới Indonesia.

 Sau hai ngày, tàu cập bến. Chính quyền địa phương không cho lên bờ, đòi tiền và hăm dọa kéo ra ngoài biển. Ông nhạc tôi hạ lịnh đục lũng chiếc thuyền cho nước ngập và đêm hôm đó mọi người đổ bộ lên đất liền. Cơ quan thông tin báo chí hãi ngoại đến chụp hình thuyền nhân và chánh quyền địa phương phải bắt đầu cứu cấp thực phẩm, nước uống. Mọi người nằm ngũ dưới gốc cây dừa trên bờ biển, bù cạp cắn nhức xương. Sau gần một tháng, nó cất cho mấy căn chòi nơi rừng rú xa xôi ở Jago. Chính quyền sở tại đòi một gia đình phải nộp 50 dollars thì mới được chuyển đi. Hầu hết ai cũng phải cho nó tiền để được thuyên chuyển đến nơi cư trú tạm thời.

Nơi trại Jago, có nhiều nhà hảo tâm đến an ủi và giúp đỡ khi thấy gia đình có trẻ sơ sinh.


Trại Jago, Indonesia, 1979

        Gia đình ông nhạc tôi được bảo trợ đi trước. Hai vợ chồng tôi với đứa con thơ còn ở lại và chờ người bảo trợ. Khoảng sáu tháng trôi qua, gia đình tôi được nhà thờ Lutheran ở thành phố Lynchburg, tiểu bang Virginia bảo trợ đến Mỹ ngày 19-1-1980.
     Tôi bị bịnh khi đến Mỹ. Nhà thờ cho người đến đưa đi khám răng, khám sức khỏe, đưa đi chợ và tiệm giặt quần áo. Một tuần lễ sau, tôi đi làm cu li cho một xưởng gỗ Old Dominion Wood Products. Lội bộ đi làm. Tan sở lúc 4 giờ, tôi lại đi bộ 5 miles (8km) đến trường E.C. Glass High School để học Anh ngữ. Lớp học bắt đầu lúc 6 giờ cho dến 9 giờ. Sau lớp học, ông Braumiller, người trong nhà thờ đến đón về. 


Mấy tháng trôi qua, nhà thờ dời gia đình tôi đến một cư xá gần siêu thị để họ khỏi phải cung cấp phương tiện di chuyển. Tôi đón xe buýt đi làm và đi học. Cuối tuần vợ chồng con cái lội bộ đi mua thực phẩm, giặt giũ quần áo. Đời sống rất là cơ cực. Tôi đi học Anh ngữ đến mười giờ tối mới về đến nhà. Mùa đông giá lạnh thấu xương, tuyết phủ đầy dầu cũng phải đi làm. Tiền lương không đủ để trả tiền thuê nhà, nhà thờ phụ giúp. Một năm trôi qua, tương lai có bề đen tối; ông nhạc tôi kêu gia đình tôi dọn lên Richmond để gần gủi gia đình và đi học trở lại. Nhà thờ vẫn tiếp tục cho tiền mướn nhà khi gia đình tôi dọn lên Richmond.

        Tôi bắt đầu lảnh trợ cấp xã hội (food stamps) và đi học trở lại. Tiếng Anh không rành, nên tôi ghi danh môn toán, lý và điện song song với môn luyện tập Anh ngữ (English as second language). Dinh dưỡng thiếu thốn, tôi khạc ra máu. Bác sĩ Watson biết được hoàn cảnh của gia đình tôi qua báo chí lúc tôi thắng được học bổng quốc gia nên bác sĩ Watson cung cấp thuốc men và chửa bịnh miễn phí.

Richmond News Leader paper, July 6, 1982

Tháng 6 năm 1983, tôi tốt nghiệp cán sự điện tử (Electrical/ Electronics Technology) với hạng Summa Cum Laude nhưng Anh ngữ còn kém nên không ai mướn. Trường đại học công đồng John Tyler Community College biết tôi có năng khiếu dạy học cho nên mướn tôi dạy lớp thí nghiệm (Lab Instructor). 

Cuối tuần và những ngày không dạy, tôi di làm cho tiệm TV Doctor: sửa radio, cassette, VCR và TV. Cuộc sống tạm đủ qua ngàỵ. Lúc con gái, Minh-Hải, bịnh sốt, bị kinh giật, không có phương tiện giao thông, phải gọi hàng xóm và họ gọi bà Jenny Hower, người bảo trợ cho gia đình nhà vợ chở đi bịnh viện. May mắn Minh-Hải bình thường sau cơn sốt.

Năm 1984 công ty điện lực Virginia Power đến John Tyler Community Collge để tuyển dụng cán sự giỏi về điện tử. Tôi nộp đơn, được phỏng vấn và được mướn làm cán sự (Instrument technician) ngày 20-3-1984. Làm việc rất vất vả, sở gọi mình bất cứ lúc nào mình cũng phải vô làm. Mùa đông, nước đông lại, làm nghẹt đường nước và đường hơi khí (instrument air), phải dùng ngọn lửa (torch) đèn mà hơ nóng. Làm ở ngoài trời, người run cầm cập, khóc lấy một mình. Mùa hè khi làm xung quanh nồi nấu nước (boiler), nhiệt độ rất cao, mồ hôi tuôn chảy, người ướt như chuột lột. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học (part time student) để lấy bằng kỹ sư điện tử. Tháng 7 năm 1987,  tôi tốt nghiệp hạng Distinction, ngang hàng hạng SumaCum Laude cho sinh viên học tòan phần (full time student). Có khi đi học vừa về đến nhà, sở gọi đi làm và cả đêm không ngũ. Sau gần ba năm làm cho nhà máy phát điện chạy bằng than, tháng giêng năm 1987, tôi được tuyển qua trung tâm huấn luyện điện năng (Operating Training Center). Năm 1988 công ty thuyên chuyển tôi qua bên trung tâm huấn luyện và đào tạo chuyên viên cho nhà máy điện nguyên tử (nuclear power training center). Tôi thiết lập hệ thống computer, network, camera, phone và bảo trì các dụng cụ trang bị máy móc (Instrumentation ). 

Tôi nghiên cứu, sáng chế và lắp ráp những mạch điện tử cho simulator khi không có ai chế ra những dụng cụ đó hoặc giá mua quá đắc.





Simulator giống hệt 100% nhà máy thực nhưng những dụng cụ, instrumentation, điều khiển bằng computer. Luật liên bang ở Mỹ bắt buộc người điều khiển nhà máy phát điện nguyên tử (Nuclear power operator) phải được huấn luyện trở lại sau sáu tuần làm việc ở nhà máy (every 6 weeks). 


        Bây giờ thì tôi làm trong nhà, có máy lạnh, máy sưởi. Công việc thì rất thoải mái nhưng có nhiều trách nhiệm. Mọi người trong sở rất ngưỡng mộ và thân thiện với tôi. Chỉ có đi làm xa và rất sớm: Lái xe đi từ lúc 4 giờ 30 sáng và 5 giờ chiều mới về tới nhà.

Buồn cho số phận của kẻ tha phương cầu thực. Mỹ không chấp nhận bằng cấp của Việt Nam nếu không có thuyên chuyển học bạ (transcript). Năm 1985 tôi đổi tên họ là Trần-Lâm Phát khi gia nhập quốc tịch Mỹ (Lâm là họ nhà vợ).

Virginia, July 15, 2010

Keine Kommentare: